Đoàn Chủ tịch điều phối Diễn đàn gồm: PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng BCSI; PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế.
Toàn cảnh Diễn đàn "Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam". |
Tham dự chương trình, về phía Ban Tổ chức có PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam...
Về phía khách mời có TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế; PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường; TS. Ngô Đức Lâm - Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường (Bộ Công Thương); bà TitaThy Nguyen - Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới; TS. George Mathew - CEO Công ty TeamSustain limited; ThS. Nguyễn Hữu Thái Hòa – Chuyên gia kinh tế; TS. Dư Văn Toán - Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường; cùng nhiều đại biểu, đại diện doanh nghiệp, hội, hiệp hội, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL).
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, từ khi loài người phát minh ra lửa, việc sử dụng năng lượng được coi là thước đo của sự tiến bộ nhân loại. Nó thể hiện năng lực phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và phấn đấu vươn lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Để thực hiện mục tiêu đó, vấn đề an ninh năng lượng cần phải được đảm bảo, cung cấp đầy đủ và an toàn cho sản xuất và tiêu dùng. “Để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện tại có thể nói là rất khó khăn, đặc biệt là sau cam kết của Việt Nam tại COP26. Chính vì vậy, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Diễn đàn với chủ đề nóng, cần có sự đóng góp về tư duy và cách tiếp cận. Làm sao để Việt Nam đạt được mục tiêu kép là trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 và đạt NetZero vào năm 2050”, PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ.
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc. |
Trao đổi tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai thì cần có những giải pháp mang tính đột phá. Trong phát triển kinh tế - xã hội, nước ta có 02 vấn đề quan trọng cần đảm bảo, một là an ninh năng lượng, hai là an ninh lương thực. Trước đây, chúng ta đã có một quyết định quan trọng đó là chuyển giá gạo sang cơ chế thị trường, quyết định này đã có những hiệu quả có thể nói là diệu kỳ.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Chuyên gia kinh tế. |
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đó là xu hướng tất yếu. Trong khi đó, phát triển kinh tế phải gắn liền với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu chúng ta không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế, cũng không bắt kịp xu hướng xanh hóa nguồn năng lượng, thì chúng ta sẽ bị tụt lại rất xa. Do đó, cần phải hiểu rõ, thời đại sẽ tác động như thế nào đến vấn đề an ninh năng lượng, làm sao để Việt Nam vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, vừa có vị trí quan trọng trong bản đồ năng lượng toàn cầu.
Theo tính toán, để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế thì tốc độ tăng trưởng của năng lượng phải gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Việc thay đổi cấu trúc nguồn cung, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Việc thay đổi cấu trúc sử dụng năng lượng cũng gây nhiều áp lực, tuy nhiên vấn đề này chưa được đề cập đến và nhìn nhận một cách nghiêm túc”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - chuyên gia kinh tế. |
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - chuyên gia kinh tế, cho biết: giai đoạn trước ngày 30/10/2021, nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo nhờ chính sách tốt, giá mua điện tốt. Khi đầu tư, điều doanh nghiệp quan tâm là lợi nhuận. Tuy nhiên thời điểm này, các doanh nghiệp không dám làm, giá điện hiện nay chưa đủ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa đặt vấn đề rằng nước ta muốn tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, vậy chúng ta cũng cần làm rõ ai sẽ chịu rủi ro trong bước vào một lĩnh vực mới, cơ chế và chính sách mới, trong khi giải pháp không nằm trong tay người Việt Nam. Nhiều dự án doanh nghiệp muốn làm nhưng vướng cơ chế, do đó ông cho rằng cần cởi trói cho cơ chế nghiên cứu R&D FS và mời các nhà đầu tư quốc tế vào cùng phát triển mảng năng lượng bền vững với Việt Nam.
N.B