Tại Hội thảo chuyên đề "Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp" tổ chức ngày 10/7, đại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp. Số liệu báo cáo tài chính DN FDI từ năm 2012 – 2016 cho thấy, trung bình hàng năm có 44% – 51% DN FDI báo lỗ.
Lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư
Tính đến hết năm 2016, Việt Nam thu hút được hơn 24.000 dự án FDI. Số lượng DN do FDI chi phối là 17.493 DN.
Theo đánh giá của Cục Tài chính DN, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN FDI trong năm 2016 ở mức cao (tính chung tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 16,3%, tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA) là 5,82%).
Tuy nhiên, tình trạng DN FDI báo thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng so với những năm trước. Theo đó, lỗ luỹ kế đến hết năm 2016 là 61% – cao hơn so với các năm trước đó, lỗ mất vốn là 16%.
Đáng chú ý, tốc độ tăng về quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ luỹ kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết, qua công tác quản lý thuế đối với DN có liên kết, cơ quan thuế nhận thấy các hình thức chuyển giá trên thế giới đều có ở Việt Nam như: chuyển giá thông qua tài sản hữu hình, chuyển giá tài sản vô hình (kiểu dáng, bí quyết, thương hiệu…), chuyển giá thông qua cung ứng dịch vụ…, từ đó chuyển lợi nhuận về nước họ.
Việc chuyển giá cũng được thực hiện thông qua các khoản vay như: vay vốn từ công ty mẹ, công ty liên kết thông qua các tổ chức trung gian là công ty độc lập. Hay chuyển giá bằng cách tính thuế thấp, hoặc không tính thuế.
Theo Cục Tài chính DN, bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm DN FDI, còn có hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận DN có vốn FDI trong nước.
"Siết" ưu đãi hay giữ thông thoáng?
Lợi dụng chính sách ưu đãi lớn về thuế suất, thuế thu nhập DN và thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập DN, các DN này đã biến Việt Nam thành "thiên đường trốn thuế" cho họ.
Đại diện Tổng cục Thuế đã chỉ ra nhóm ngành có tỷ lệ chuyển giá, trốn thuế ngược vào Việt Nam cao nhất là linh kiện điện tử, máy tính, thiết bị ngoại vi, viễn thông, phần mềm.
Theo số liệu của ngành thuế, ROE bình quân của các DN FDI ở những ngành trên luôn duy trì ở mức cao nhất, bình quân trên 30%.
Đặc biệt, một số dự án quy mô lớn được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế thu nhập DN như Dự án công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh và tại Thái Nguyên có hiệu quả hoạt động rất cao. Năm 2015, ROE lần lượt là 30,1% và 61,4%, năm 2016 là 26% và 49%, trong khi các dự án sản xuất phụ trợ đi cùng có hiệu quả kinh tế thấp.
"Điều này cho thấy mức độ chuyển giá giữa các DN FDI có mối quan hệ liên kết và được hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập DN khác nhau", bà Lan Anh cho hay.
Trong khi đó, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban thuế và chuyển giá của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng Giám đốc công ty Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, khẳng định: "Giá chuyển nhượng là một phần không thể tách rời của thương mại quốc tế. Do đó, không thể tránh được các vấn đề có liên quan đến chuyển giá".
Chính vì thế, câu hỏi đặt ra là nên "siết" ưu đãi hay vẫn giữ chính sách thuế thông thoáng để thu hút đầu tư?
Theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư FDI là vô cùng quan trọng, hầu hết các nước trên thế giới đều có những chính sách ưu đãi giống như Việt Nam, chẳng hạn ưu đãi miễn thuế có thời hạn, miễn thuế thu nhập DN.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, cho biết ở một số quốc gia như Singapore không đánh thuế trên thu nhập từ chuyển nhượng vốn, cho phép DN thực hiện khấu hao nhanh đối với máy móc, nhà xưởng trong một số ngành ưu đãi. Riêng với các ngành ưu đãi cho phép trừ 400% chi phí hoặc hoàn 40% thuế thu nhập DN.
"Trong tiến trình hội nhập quốc tế, việc thay đổi chính sách thuế và hệ thống các ưu đãi đầu tư là một trong các điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài tốt nhất. Chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay đổi nhiều thể chế, chính sách theo hướng tích cực và minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, những chính sách ưu đãi thuế nên dành cho các lĩnh vực như: công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, thân thiện với môi trường", ông Tuấn kiến nghị.
Thanh Hoa