Số liệu thống kê của ngành nông nghiệp cho biết, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản tháng 9 ước đạt 3,38 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 9 tháng đầu năm 2018 đạt 29,55 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Lượng tăng nhưng kim ngạch giảm
Phân tích tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay, theo Bộ Công Thương, hai mặt hàng có kim ngạch XK tăng cao so với cùng kỳ là gạo ước đạt 4,93 triệu tấn, trị giá 2,48 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng và 22,1% về trị giá; rau quả ước đạt 3,02 tỷ USD, tăng 15,2%. Ngoài ra, thủy sản cũng có mức tăng trưởng dương, ước đạt 6,38 tỷ USD, tăng 6,9%.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết giá XK các mặt hàng thuộc nhóm nông sản đều giảm tương đối mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Đây là nguyên nhân chính khiến kim ngạch XK nhiều mặt hàng giảm mặc dù lượng XK tăng.
Cụ thể, cà phê có giá XK ước giảm 16,4% nhưng lượng ước tăng 19,6% nên kim ngạch tương đương so với cùng kỳ năm trước. Giá nhân điều XK ước giảm 6,3% khiến kim ngạch ước giảm nhẹ 0,7% dù lượng ước tăng 5,7%; giá hạt tiêu ước giảm 38,4% nên kim ngạch ước giảm 11,3% dù lượng ước tăng 7%; giá cao su ước giảm 18,7% làm kim ngạch ước giảm 11,3% dù lượng ước tăng 9,1%.
Lý giải điều này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng thị trường cà phê toàn cầu hiện đang chịu áp lực dư thừa nguồn cung và nhu cầu mua thấp. Trong tháng 9, thị trường cà phê trong nước biến động giảm theo xu hướng thị trường thế giới. So với tháng trước, cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 700 đồng/kg xuống còn 31.900 – 32.500 đồng/kg.
Về hồ tiêu, trong ngắn hạn, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo giá tiêu thế giới sẽ dao động trong khoảng hẹp. Thời gian tới, giá tiêu trên thị trường thế giới có thể ổn định do vụ mùa tại Indonesia đã thu hoạch xong nhưng sản lượng ước tính tương đương hoặc thấp hơn năm ngoái, đồng thời mùa vụ sắp tới ở Ấn Độ trong tháng 12 được dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng của lũ lụt.
Với ngành điều, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngành này hiện vẫn đang chịu sức ép từ dư cung, nhưng giá điều đã có dấu hiệu phục hồi sau khi các thị trường tiêu thụ lớn đẩy mạnh nhập khẩu trong những tháng cuối năm.
Giá nhân điều XK ước giảm 6,3% khiến kim ngạch ước giảm nhẹ 0,7% dù lượng ước tăng 5,7% |
Chưa đáp ứng đúng nhu cầu
Giá nhiều mặt hàng nông sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do thị trường toàn cầu dư cung, song cũng thẳng thắn nhìn nhận nông sản Việt vẫn chưa đáp ứng đúng nhu cầu mà thị trường thế giới cần.
Đơn cử, với ngành điều, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn là thách thức lớn khi một số nước như Nigeria, Bờ Biển Ngà định hướng hạn chế XK điều thô khiến giá điều nhập khẩu bị đẩy lên cao.
Bởi vậy, trong bối cảnh giá XK điều nhân có xu hướng giảm, nguồn cung điều thô bất ổn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng DN chế biến điều trong nước cần tập trung vào "tăng chất, giảm lượng" nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Với mặt hàng cao su, theo cơ quan chức năng, dự báo giá cao su trên thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối bởi diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tồn kho cao su vẫn ở mức cao.
Các DN xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do nhu cầu thấp từ các nước nhập khẩu cao su chủ chốt. Do đó, các DN cần chủ động tìm kiếm đối tác mới để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống trong thời kỳ ngành cao su thiên nhiên còn nhiều khó khăn.
Nhìn tổng thể ngành nông sản Việt Nam, Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng bản chất của tái cơ cấu nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn là xuất thô, chưa có thương hiệu. Nói cách khác là chưa sản xuất cái thị trường cần, do vậy luôn xảy ra tình trạng được mùa mất giá.
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đặt vấn đề: Để việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam được thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và XK về mặt chất lượng và giá cả cần có chính sách, cơ chế gì; Chính phủ, các bộ ngành, các hiệp hội trong đó có Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, đào tạo như thế nào để nông dân chủ động nắm bắt những cơ hội, đồng thời vượt qua những rủi ro thách thức trong sản xuất, tiêu thụ nông sản thời kỳ hội nhập. Đây là những câu hỏi cần sớm có lời giải đáp.
Thy Lê