Những ngày gần đây, không chỉ các tỉnh phía Bắc, mà các tỉnh phía Nam dội lên thông tin chanh được mùa rớt giá, nông dân khóc ròng ở các vườn chanh và trên các mạng xã hội bắt đầu kêu gọi giải cứu.
Dọc Quốc lộ 21A (Hòa Bình) có nhiều điểm bán chanh đổ đống với giá 5.000 đồng/kg được nhiều người tranh thủ mua không chỉ để ăn mà còn dùng để rửa tay, gội đầu, xông hơi…
Được mùa – rớt giá
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Thu Hà (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), xác nhận giá chanh đang ở thời điểm rẻ nhất năm. Cụ thể, giá chanh bán tại vườn cho các thương lái chỉ 2.000 – 3.000 đồng/kg, còn bán lẻ dọc đường có giá 5.000 đồng/kg.
"Hiện nay ở miền Bắc đang vào mùa chanh đào. Mọi năm giá bán tại vườn 10.000 –15.000 đồng/kg, có những thời kỳ cao điểm tăng lên 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hai năm nay, chanh được mùa thì mất giá. Gia đình nào bán hết thì gỡ được tiền phân bón", bà Hà cho hay.
Từ lâu, nhiều người coi chanh đào như một vị thuốc, các bà nội trợ hay mua về ngâm mật ong, đường phèn làm thuốc trị ho, viêm họng. Vì vậy, giá chanh đào đến tay người dùng dao động 40.000 – 60.000 đồng/kg.
Tại vườn chanh nhà bà Lương Thị Giang (Cao Phong, Hòa Bình), chanh cũng đã bắt đầu cho thu hái. Mỗi ngày, bà Giang cung cấp ra thị trường khoảng 2 tạ chanh đào.
"Những năm trước, giá chanh đào đầu mùa thường bán với mức 30.000 – 50.000 đồng/kg. Thế nhưng thời điểm hiện tại, giá chanh đào chọn tại vườn những quả to đẹp đang dao động quanh mức 6.000 – 8.000 đồng/kg. Còn chanh loại 2 chỉ có giá từ 5.000 đồng/kg trở xuống".
Người trồng chanh đao lao đao vì giá rớt mạnh |
Chưa có lời giải
Theo nhiều nông dân, so với việc trồng lúa, trồng chanh cho thu nhập cao hơn nên người dân đã gia tăng diện tích trồng chanh.
Tại huyện Kim Bôi, Hòa Bình, nhiều người dân thay vì trồng những loại cây nông nghiệp truyền thống như lúa, lạc… đã chuyển sang trồng chanh. Nhưng với tình cảnh được mùa, giá chanh xuống mức thấp cũng đang khiến nhiều nông dân lo lắng.
Trước đó, trong tháng 7, tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa…, nhiều người nông dân điêu đứng vì chanh trắng rớt giá. Có thời điểm giá chanh tại vườn được thương lái thu mua rất thấp, chỉ khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg.
Có một thực tế là mặc dù giá chanh đào ở vườn rất thấp, nhưng tại các chợ truyền thống nội thành Hà Nội vẫn đang được bán với giá khoảng 20.000 – 25.000 đồng/ kg. Nghịch lý này vẫn tồn tại nhiều năm qua, nông sản bán chạy, giá cao, còn người nông dân vẫn lỗ vốn, khóc ròng…
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng, hai năm nay, thời tiết thuận lợi với nhiều loại hoa quả, các loại quả có múi như cam, quýt, bưởi… được mùa.
Cùng với đó, mấy năm nay, lượng tiêu thụ cũng tăng cao, nên bà con nông dân đã gia tăng trồng cây ăn quả. Sau vài năm, sản lượng bưởi, cam, chanh tăng đột biến. Hoa quả lại theo mùa khiến bà con nông dân không lúc nào hết vật lộn với bài toán đầu ra cho sản phẩm.
Thực tế, năm nay không chỉ có chanh, mới đầu mùa nhưng giá cam ở nhiều nơi cũng rẻ hơn so với mọi năm. Giá cam Cao Phong được rao bán 20.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái có giá 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Trong khi đó, một chuyên gia của Bộ NN&PTNT cho biết mấy năm qua, trên thị trường xuất hiện nhiều giống cây ăn quả trái mùa, nhu cầu tiêu dùng của người dân không còn thiếu như trước, đã "giảm tải" cho thị trường khi trái cây vào vụ.
Nhiều năm nay, mỗi khi nông sản rơi vào tình trạng ứ đọng, khó tiêu thụ, nhiều chính sách được đưa ra, trong đó có cả giải pháp trước mắt và dài hơi. Nhưng đến nay, "ma trận" giải cứu nông sản vẫn chưa có giải pháp dứt điểm.
Theo Ts. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên nhân cốt lõi vẫn là tình trạng sản xuất rồi mới đi tìm kiếm thị trường.
"Người nông dân cứ thấy trồng cây gì mang lại lợi ích kinh tế cao thì sẽ trồng, người nọ nhìn người kia để sản xuất theo phong trào. Khi cung vượt cầu dẫn đến ứ đọng. Vì vậy, nếu vẫn còn tình trạng sản xuất nông sản thiếu quy hoạch, thiếu sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng thì "được mùa rớt giá" vẫn còn đeo bám người nông dân", ông Mai nói.
Theo các chuyên gia, việc các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những cảnh báo kịp thời về thị trường, mùa vụ ở các nước nhập khẩu cho nông dân sẽ tránh được phần nào tình trạng nông sản ứ đọng, rớt giá như vừa qua.
Thanh Hoa