Hồng sấy dẻo Đà Lạt có mầu sẫm cánh dán, không lên phấn. |
Khảo sát trên thị trường Hà Nội cho thấy, loại hồng dẹt sấy dẻo quả to, bên ngoài phủ một lớp phấn trắng, được gắn mác xuất xứ từ Đà Lạt đang được bán nhiều với giá chỉ từ 80.000 đến 200.000 đồng một kg.
Hàng Trung Quốc tràn về
Trong vai một đầu mối muốn nhập hồng về bán lẻ online, PV đến chợ Đồng Xuân (Hà Nội) để tìm hiểu về loại hồng dẻo có giá khá rẻ này. Chị Hương, một chủ sạp bán bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân đon đả chào mời: “Hồng dẻo Đà Lạt giá nào cũng có, loại thường giá chỉ 80.000 đồng một kg, còn loại một có giá 200.000 đồng".
Cũng rao bán rầm rộ trên mạng, chị Hằng ở Linh Đàm cho biết, nếu mua sỉ, giá hồng sấy dẻo có thể được giảm xuống 60.000 đồng mỗi kg (thay vì 120.000 đồng như bán lẻ). “Loại hồng này tôi bán số lượng lớn nên nếu lấy sỉ và bán giá gấp đôi thì mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm nghìn đến cả triệu đồng”, chị Hằng nói và cho biết đang tuyển cộng tác viên trên toàn quốc để bán hàng dịp Tết.
Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ, chị Hằng thừa nhận cũng có bán thêm hàng Đà Lạt nhưng loại này không nhiều và giá sỉ thường cao gấp 3 so với hàng Trung Quốc. Chị khuyên lấy hàng Trung Quốc vì lãi cao, sản phẩm lại ngon, chất lượng đồng đều.
Là đầu mối lớn chuyên bán hồng sỉ ở Hà Nội, anh Nguyễn Thanh Chung cho biết, đa phần hồng sấy dẻo được quảng cáo là hồng Đà Lạt trên thị trường Hà Nội hiện nay đều có xuất xứ từ Trung Quốc, bởi hồng Việt Nam rất hiếm.
“Các cửa hàng, người kinh doanh sẽ nhập cả thùng 7,5kg, giá 470.000 đồng/thùng. Nếu lấy từ hai thùng trở lên giá sẽ là 450.000 đồng/thùng, và nếu mua theo thùng chia ra thì giá chỉ khoảng 60.000 đồng/kg. Sau đó, đem về bán lẻ sẽ lãi gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá gốc”, anh Chung cho hay.
Đồng thời người này cho biết, những ngày cận Tết một ngày anh đổ buôn hồng dẻo Trung Quốc cho các mối sỉ ở Hà Nội, các tỉnh miền Bắc, thậm chí các mối trong Đà Lạt với số lượng lên tới cả tấn.
Tương tự, chị Bùi Hoàng Lan, chủ một cửa hàng hồng sấy dẻo Đà Lạt ở Định Công Thượng (Hoàng Mai, Hà Nội) thừa nhận, trên thị trường, hồng dẻo Trung Quốc đang đột lốt hồng dẻo Đà Lạt rất nhiều. Thậm chí, trong thủ phủ hồng dẻo Đà Lạt, hồng dẻo Trung Quốc cũng được bày bán la liệt. Nhiều chủ hàng bán lẻ nhập hồng dẻo Trung Quốc từ Đà Lạt ra và quảng cáo hồng dẻo Đà Lạt.
Nhận biết hồng dẻo Đà Lạt như thế nào?
Để tránh mua phải hồng dẻo Trung Quốc đột lốt hồng Đà Lạt, chị Lan cho biết, có thể phân biệt bằng cách quan sát bên ngoài quả hồng. Đơn cử, hồng sấy dẻo Trung Quốc nhìn bên ngoài rất đẹp mắt, mỗi miếng hồng có kích thước đều nhau, to và dày thành bên ngoài. Để lâu hồng lên phấn trắng, phần đều xung quanh miếng hồng. Khi ăn rất dẻo, vi ngọt hơi chua lợ.
Trong khi đó, hồng sấy dẻo Đà Lạt mỏng hơn, nhìn bên ngoài không bắt mắt bằng hồng Trung Quốc, mầu sẫm cánh dán. Khi ăn cứng hơn nhưng vẫn giữ độ dẻo nhất định, vị ngọt thanh mát. Hồng Đà Lạt hầu như không lên phấn, nếu có lên phấn chỉ vào cuối mùa.
Với kinh nghiệm 5 năm bán hồng sấy dẻo Đà Lạt, chị Lan cho hay: “Hồng dẻo từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau thường không lên phấn (nhìn quả rất tươi). Nếu để hồng ở nhiệt độ bên ngoài, qua Tết hồng sẽ lên men. Tuy nhiên, hồng Đà Lạt lên men không đều, nhìn không được bắt mắt cho lắm, nếu chuyển qua các vùng có thời tiết nóng hơn thì sản phẩm cũng sẽ lên men nhanh hơn”.
Đặc biệt, chị Lan tiết lộ, năm nay hồng sấy dẻo Đà Lạt mất mùa, nên từ tháng 9 âm lịch mới có và kéo dài đến tháng 12 âm lịch là hết vụ. Hồng sấy gió thì qua Tết Nguyên đán, đến giữa tháng 1 âm lịch. Song, lượng hàng không nhiều và khá khan hiếm.
"Nếu đi mua hồng sấy dẻo Đà Lạt mà giá dưới 260.000 đồng/kg thì không phải hồng Đà Lạt. Bởi, hàng chuẩn Đà Lạt giá rẻ nhất đã là 260.000 đồng, còn loại sấy gió hiện dao động từ 380.000 - 450.000 đồng/kg", chị Lan khẳng định.
Bắt 1,2 tấn hồng sấy dẻo nhập lậu Ngày 28/1, cục Quản lý thị Lạng Sơn phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh phát hiện gần 1,2 tấn hồng sấy dẻo nhập lậu được vận chuyển trên xe ôtô tải biển kiểm soát 12C-094.81 tại lề đường Lê Đại Hành, phường Vĩnh Trại (TP Lạng Sơn). Tổng giá trị hàng hóa ước tính gần 70 triệu đồng. Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, lái xe kiêm chủ hàng là ông Vi Thành Tâm (địa chỉ xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) khai nhận số hồng sấy dẻo trên được mua trôi nổi ngoài thị trường về bán kiếm lời nên không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ kiểm dịch theo quy định. Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nay lượng hàng thực phẩm nhập lậu đang gia tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Do đó, cơ quan này cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng khi tiêu dùng đối với các sản phẩm này, hoặc nếu có thông tin về hàng hóa vi phạm cần thông tin ngay cho lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định. |
Thanh Hoa