Trong vài năm gần đây cũng như 5 – 10 năm tới, Việt Nam luôn được cho là thị trường rất tiềm năng để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) thực phẩm Nhật.
Các DN Nhật Bản nhìn nhận Việt Nam là thị trường có tỷ lệ dân số trẻ cao và nhu cầu tiêu dùng lớn, có khả năng tài chính tốt để tiêu dùng thực phẩm Nhật sẽ tăng theo.
Không đảm bảo minh bạch
Tuy nhiên, nỗi lo thường trực của DN thực phẩm Nhật là vấn đề thông quan nguyên liệu thực phẩm nhập khẩu (NK) ở Việt Nam vẫn còn chậm so với mong muốn của họ. Điều đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chất lượng, độ an toàn của thực phẩm Nhật, nhất là những thực phẩm tươi sống.
Đơn cử như việc tổ chức thực hiện và tần suất lấy mẫu hàng hoá NK. Luật sư Nak-agawa Moto-hisa, đại diện pháp lý cho một số DN Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm tại Tp.HCM, cho biết hiện có nhiều trường hợp "không đảm bảo tính minh bạch" của việc lấy mẫu hàng hoá tại thời điểm NK.
Điển hình là trường hợp nội dung lấy mẫu trên thực tế khác với nội dung ghi trong văn bản; hoặc có trường hợp lấy mẫu với lượng nhiều hơn mức cần thiết và trường hợp lấy mẫu từ bộ phận có giá trị lớn một cách không cần thiết.
"Chúng tôi mong muốn các cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ yếu thực hiện lấy mẫu hàng hoá NK (hải quan, thú y…) cùng với nỗ lực cải thiện tính minh bạch trong tổ chức thực hiện, trước hết xem xét để giảm tần suất lấy mẫu", luật sư Nakagawa kiến nghị.
Theo phản ánh của một số DN thực phẩm Nhật đang hoạt động tại Việt Nam trong cuộc họp "Liên lạc về thực phẩm" do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JET-RO) tại Tp.HCM tổ chức ngày 20/3, nếu theo Thông tư số 38/2015/ TT-BTC và Thông tư số 14/2015/TT-BTC, dù hiện nay không có quy định về lượng mẫu mà cơ quan hải quan lấy thì cơ quan hải quan vẫn đang thực hiện lấy ít nhất hai bộ mẫu.
Khi lấy mẫu, DN (người khai hải quan), bộ chủ quản và cơ quan hải quan sẽ cùng ký vào bản ghi nhớ. Theo đó, trong vòng 120 ngày sau khi ban hành thông báo về kết quả phân loại mã HS, mẫu sẽ được trả lại.
Về việc lấy mẫu để lưu là để kiểm tra lại khi có khiếu nại từ DN, trường hợp không cần kiểm tra lại thì mẫu sẽ được trả về. Ngoài ra, về việc bộ ngành nào khác ngoài hải quan có thực hiện việc lấy mẫu hay không, DN có thể biết thông qua những người ký trong bản ghi nhớ này.
Thế nhưng, một số DN Nhật đã xác nhận trên thực tế, hiện vẫn có nhiều vụ việc các thủ tục quy định tại Thông tư 38 và Thông tư 14 không được tuân thủ một cách đầy đủ. Đơn cử như trường hợp DN không được giao bản ghi nhớ, hay mẫu không được trả lại.
Chậm thông quan là nỗi lo thường trực của DN thực phẩm Nhật |
Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
Thêm vào đó, có những trường hợp lấy mẫu với lượng nhiều hơn mức cần thiết và trường hợp lấy mẫu từ bộ phận có giá trị lớn một cách không cần thiết, tạo ra gánh nặng lớn cho DN NK.
Luật sư Nakagawa cho biết ở Nhật Bản, để nâng cao hiệu suất, nếu khi kiểm tra bằng văn bản mà không có vấn đề gì thì sẽ lược bỏ việc thực hiện kiểm tra thực tế. Nhật Bản cũng đang áp dụng cách tiếp cận giảm tần suất lấy mẫu không cần thiết để đảm bảo thông quan thuận lợi.
Ví dụ đối với thực phẩm thịt, nếu được NK từ các khu vực không có sự phát sinh những bệnh cấp tính truyền nhiễm trên gia súc, theo "điều kiện về vệ sinh của gia súc" đã được nước xuất khẩu và Nhật Bản thương thảo, ký kết, không có vấn đề gì trong kết quả kiểm tra tài liệu thì sẽ được lược bỏ việc kiểm tra trên thực tế.
Trong trường hợp có thực hiện kiểm tra thực tế trong kiểm dịch động vật, thời gian cũng kéo dài trong khoảng vài phút.
Ngoài vấn đề kiểm tra mẫu, việc sửa đổi giá trong hóa đơn khi thông quan thực phẩm cũng là điều mà các DN Nhật băn khoăn. Theo đó, nếu tại thời điểm thông quan, phía hải quan không chấp nhận giá trong hóa đơn và yêu cầu sửa đổi giá khai thuế thì theo quy định của pháp luật, DN mong muốn được thông báo bằng văn bản về việc có đủ căn cứ để cho rằng giá sau khi sửa đổi đó là giá tính thuế thỏa đáng.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số DN thực phẩm Nhật cho biết hàng hoá thực phẩm NK bị ách tắc ở cửa khẩu vì chậm thông quan đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì thế, nếu có thể được thì nên cho phép thông quan trước, DN có trách nhiệm giải thích về giá sau đó thì sẽ hợp lý hơn.
Trên thực tế tại Việt Nam, tại thời điểm thông quan NK thực phẩm, có trường hợp với lý do giá trong hoá đơn quá thấp khi so sánh với giá mà các DN khác đăng ký hoặc giá thị trường, DN NK bị cơ quan hải quan yêu cầu sửa đổi tăng giá kê khai và phải kê khai sửa đổi thành giá khác với giá trong hoá đơn.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, trong trường hợp không áp dụng giá giao dịch, phía hải quan phải giải thích về toàn bộ lý do. Ngoài ra, kể cả trong trường hợp có nghi ngờ về giá thì vẫn phải ưu tiên thực hiện việc thông quan một cách nhanh chóng và thực hiện điều tra sau khi thông quan.
Thế Vinh