Đó là khẳng định của ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa (Hà Nội). Mỗi tháng, tại Chi cục này có khoảng 6 tỷ đồng tiền chậm nộp phát sinh mới, dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn dù đây chỉ là nợ ảo.
Nợ thuế ảo tăng mạnh
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 5, tổng số tiền thuế nợ là hơn 84,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là 46,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,9% tổng số tiền thuế nợ, tăng 20% so với thời điểm 31/12/2018.
Đáng chú ý, số tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) lên tới hơn 38 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 45,1% tổng số nợ thuế.
Theo nhận định của các nhà quản lý, với con số khổng lồ trên, nợ thuế không có khả năng thu hồi sẽ tiếp tục tích tụ qua từng tháng, từng năm, tạo gánh nặng cho ngành thuế, làm mất cân đối với cán cân thu ngân sách nhà nước.
Mặt khác, nợ thuế không có khả năng thu hồi suốt thời gian qua đã tạo áp lực lớn về chi phí quản lý, nhân lực quản lý.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa, cho biết tính đến thời điểm 30/4/2019, số nợ thuế không có khả năng thu hồi tại Chi cục là 673,8 tỷ đồng của 17.591 doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Con số này chiếm 54% so với tổng nợ của Chi cục.
“Đây là số nợ không thể thu được, chủ yếu là các khoản nợ tồn tại nhiều năm”, ông Hùng cho hay. Mặc dù không thể thu hồi được những khoản nợ thuế này, nhưng theo Luật Quản lý thuế hiện hành thì cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, tính tiền chậm nộp.
Theo tính toán, với số nợ không có khả năng thu hồi trên, mỗi tháng Chi cục Thuế Đống Đa phát sinh khoảng 6 tỷ đồng tiền chậm nộp. Điều này dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn, dù thực tế đây chỉ là nợ ảo.
Vì vậy, theo ông Hùng, quy định khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp là rất cần thiết, giúp giảm số nợ ảo, giảm chi phí quản lý, chi phí về nhân lực của cơ quan quản lý thuế.
![]() |
Những khoản nợ không có khả năng thu hồi đang là gánh nặng của ngành thuế |
Gỡ gánh nặng cho ngành thuế
Xuất phát từ tình hình thực tế, theo các chuyên gia, việc bổ sung quy định về khoanh nợ tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này sẽ làm giảm số nợ ảo, giảm chi phí quản lý, chi phí về nhân lực của cơ quan quản lý thuế.
Thời gian qua, cơ chế, chính sách xóa nợ thuế tiếp tục được mở ra, nhưng trên thực tế, trong vòng 10 năm từ ngày 1/7/2007 – 31/7/2017, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp được xóa chỉ có 1.122 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,3% số nợ không có khả năng thu.
Thống kê nợ đọng hiện nay cho thấy có khoảng 50% khoản nợ đọng thuế là khoản tiền phạt chậm nộp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, việc xóa nợ thuế rất khó khăn, phức tạp, vì thế số tiền nợ thuế được xóa rất ít. Số nợ thuế không có khả năng thu hồi do người nợ thuế đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản nhưng không xóa được nên vẫn tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày.
“Đây là số tiền nợ ảo vì ngay cả nợ gốc cũng không thể thu hồi thì làm sao có thể thu được tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế. Như vậy, mỗi ngày trôi qua, số tiền nợ thuế ảo tiếp tục tăng lên”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Vì vậy, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội chỉnh sửa một số nội dung về xóa nợ, trong đó có giải pháp khoanh nợ. Khi xác định đối tượng đã bị coi là chết, mất tích, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cũng được xem xét khoanh nợ, không tính thêm tiền chậm nộp nữa, vì bản chất là không thu được.
Điều vướng nhất là yêu cầu cơ quan thuế phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế không thu hồi được mới xóa nợ. Tuy nhiên, trong Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định cơ quan thuế chỉ cần áp dụng một biện pháp duy nhất không thu được nợ cũng xem xét xóa nợ, nên nợ thuế, đặc biệt là nợ ảo sẽ giảm.
Ngoài ra, thẩm quyền xóa nợ thuế cũng đã được nâng lên đến 5 tỷ đồng giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh; đến 10 tỷ đồng giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; đến 15 tỷ đồng giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ giảm áp lực về xử lý nợ thuế cho ngành thuế.
Theo PGs.Ts Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế – Hải quan, Học viện Tài chính, để xóa nợ thuế, người có thẩm quyền xóa nợ phải xem xét đầy đủ hồ sơ xóa nợ thuế để xác định chính xác xem có đúng đối tượng được xóa nợ không để ra quyết định xóa nợ và chịu trách nhiệm về quyết định xóa nợ của mình. Như vậy mới tránh được tình trạng trục lợi chính sách.
Thanh Hoa