Theo thống kê từ FiinGroup, 26 tỉnh thành vừa bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) đóng góp 25,81% GDP, 24,57% tổng số doanh nghiệp, 21,02% doanh nghiệp FDI và đóng góp 17,27% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, các tỉnh này có dư nợ ngắn hạn khoảng 3.952 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,49% tổng nợ ngắn hạn của cả nước.
Tính đến ngày 28/9, các cơ quan chức năng ước tính thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra đã vượt quá 81,50 nghìn tỷ đồng, dẫn đến giảm 0,15% tổng tăng trưởng GDP cho năm 2024. Trong đó, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,33%, ngành công nghiệp và xây dựng giảm 0,05%, và dịch vụ giảm 0,22%.
Tác động rộng rãi của Yagi cũng đã làm gián đoạn các ngành công nghiệp quan trọng ở các khu vực bị ảnh hưởng như ngành logistics có 15,4% các công ty gặp phải gián đoạn và 53,6% đối mặt với sự chậm trễ trong hoạt động. Phân tích của FiinGroup cho thấy, những gián đoạn này dự kiến sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, làm tăng giá thực phẩm và vật liệu xây dựng, từ đó sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao và gia tăng áp lực lạm phát.
Sau bão Yagi các siêu thị và nhà bán lẻ điện tử sẽ thấy nhu cầu mua sắm tăng cao. |
Ngoài các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão Yagi, ngành Ngân hàng và Bảo hiểm cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. Trong đó, 3 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, Agribank bị ảnh hưởng nhiều nhất với tổng dư nợ lên đến 100 nghìn tỷ đồng, với 85.000 khách hàng, đặc biệt là ở Quảng Ninh và Hải Phòng, nơi có 11.700 khách hàng nợ 23,1 nghìn tỷ đồng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, các ngân hàng triển khai biện pháp gia hạn thời gian vay, hoãn trả lãi, và tái cấu trúc các khoản vay. Đồng thời giảm lãi suất các khoản vay cũ và cho vay mới từ 0,5-2%. Mặc dù vậy, FiinGroup cho rằng tác động ước tính của những chương trình hỗ trợ này đối với thu nhập lãi và lợi nhuận của ngân hàng là tương đối nhỏ. “Dự kiến sẽ chỉ kéo dài 1-2 quý với mức giảm nhẹ khoảng 1%”, chuyên gia FiinGroup nhận định.
Đối với ngành bảo hiểm, ước tính số tiền yêu cầu bồi thường cho thiệt hại về người và tài sản do cơn bão gây ra đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng và vẫn tiếp tục tăng. Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm cập nhật đến chiều 20/9/2024, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm đã tạm thời lên tới con số 9.013 tỷ đồng.
Mặc dù thiệt hại mà bão số 3 gây ra cho nền kinh tế nói chung và các lĩnh vực rất lớn. Song các chuyên gia FiinGroup cho rằng sẽ có những ngành hưởng lợi như Vật liệu xây dựng, bán lẻ, phân bón, dịch vụ công, Logistics và vận tải, ngân hàng và bảo hiểm.
Các chuyên gia phân tích, sau bão nhu cầu về sửa chữa cơ sở hạ tầng, các công trình, nhà ở gia tăng, theo đó nhóm ngành vật liệu xây dựng sẽ có sự tăng trưởng.
Đối với lĩnh vực bán lẻ, sau bão các mặt hàng hoá thiết yếu, thiết bị gia dụng sẽ được người dân vùng bão lũ ưu tiên mua sắm. Theo đó, các siêu thị và nhà bán lẻ điện tử sẽ thấy nhu cầu tăng cao.
Nhu cầu khôi phục sản xuất nông nghiệp sẽ làm tăng nhu cầu về phân bón, thúc đẩy sự phát triển cho các công ty trong ngành này.
Các chuyên gia cũng cho rằng lĩnh vực dịch vụ công với các dịch vụ tiện ích như điện, nước và vệ sinh sẽ thấy doanh thu tăng trưởng khi họ hỗ trợ trong các nỗ lực phục hồi.
Với ngành Logistics và vận tải, các công ty phục hồi nhanh sẽ hưởng lợi từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa khẩn cấp, với các doanh nghiệp như Gemadept và Viettel Post dự kiến sẽ thấy doanh thu tăng.
Với ngân hàng, nhu cầu tín dụng sẽ tăng lên khi nền kinh tế phục hồi, mang lại lợi ích cho các ngân hàng từ việc tăng cường đầu tư và khôi phục sản xuất.
Với bảo hiểm, thiệt hại lớn về tài sản và sinh mạng sau cơn bão Yagi, nhu cầu bảo hiểm dự kiến sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp và cá nhân tìm cách bảo vệ tài sản của họ trước các rủi ro trong tương lai.
Chuyên gia FiinGroup nhấn mạnh, mặc dù quá trình phục hồi có thể chậm do tác động của thiên tai và các yếu tố quốc tế, đầu tư và các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Thanh Hoa