Cụ thể, giá nhập khẩu tăng trong 2 tháng đầu năm làm cho kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu (115,9% so với 13,2%), tác động tiêu cực đến cán cân thương mại (chuyển sang nhập siêu 936 triệu USD, ngược chiều với xuất siêu 299 triệu USD của cùng kỳ).
Giá nhập khẩu (mua hàng) các mặt hàng của các doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm nay đang cao hơn cùng kỳ năm ngoái. |
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,8%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,6%, giảm 1,6 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,2%, tăng 1,7 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,2%, giảm 0,1 điểm phần trăm.
Cũng phải nói thêm, cán cân thương mại thâm hụt thì Ngân hàng Nhà nước sẽ không thể mạnh tay mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối (sẽ làm tăng tỷ giá), trong khi tổng dự trữ ngoại hối mới vượt qua 3 tháng nhập khẩu là ranh giới an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế.
Tất nhiên, kim ngạch nhập khẩu tăng có một phần quan trọng do giá nhập khẩu tăng, còn lượng nhập khẩu không tăng, thậm chí có loại còn bị giảm như phế liệu sắt thép, hạt điều, than, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, kim loại thường khác…
Việc “đứt gãy” nguồn cung trong 2 năm trước có một phần do đại dịch, một phần do giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao… Nếu đại dịch chưa được kiểm soát và giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao, thì “nhập khẩu lạm phát” sẽ lại tiếp tục.
Năm ngoái, phần lớn lạm phát trong năm là do các lĩnh vực cụ thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng, như ô tô, gỗ xẻ, nhà cho thuê và năng lượng. Tuy nhiên, xu hướng giá cả tăng lên đã diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới, tăng mạnh trong ngành năng lượng và thực phẩm.
Khi đó, giá nhập khẩu tính bằng USD tăng cao, nhưng tỷ giá VND/USD bị giảm, nên giá nhập khẩu tính bằng USD không tăng tương ứng, việc “nhập khẩu lạm phát” đã bị chặn lại một phần nào. Năm nay diễn biến có thể khác. Tỷ giá VND/USD sẽ khó tiếp tục giảm nữa, mà sẽ tăng lên, thậm chí có thể ở mức tăng 2% theo định hướng trước đây.
Theo dự báo, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh và xung đột Nga – Ukraine, giá xăng dầu, kim loại cũng như giá lương thực thực phẩm trên thế giới sẽ tăng cao, thậm chí có thể tạo ra một mặt bằng giá mới sau Covid-19.
Cũng có ý kiến cho rằng, áp lực nhập khẩu lạm phát tuy có, nhưng không có nghĩa sẽ tạo sự “bùng nổ” bởi còn nhiều yếu tố có thể kiểm soát. Nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu, nhưng việc nhập khẩu này phục vụ nhiều cho việc sản xuất ra hàng hóa rồi lại xuất khẩu đi. Theo đó, không phải cứ nguyên vật liệu nhập khẩu vào với giá cao thì sẽ gây lạm phát trong nước.
Đành vậy, nhưng rõ ràng, với tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, nguy cơ nhập khẩu lạm phát cho Việt Nam là điều có thể xảy ra do nhiều ngành nghề kinh doanh của Việt Nam phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài. Vì vậy, cần phải có những kịch bản để ứng phó.
Đặc biệt, trong bối cảnh mà phần lớn các nguyên liệu sản xuất của Việt Nam đều phụ thuộc vào thế giới. Nhất là, giá các nguyên liệu thiết yếu như xăng dầu, kim loại…tăng có thể là yếu tố mang tính lan tỏa mạnh bởi đây là các sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, khiến chi phí sản xuất đầu vào gia tăng, kéo theo mức giá cao hơn.
Trong bối cảnh đó, biện pháp cơ bản được nhiều chuyên gia nhắc đến đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thị trường xuất khẩu 2022 dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Nhiều nước triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, các chuyên cho rằng, ngoài việc tận dụng những thế mạnh trên, xuất khẩu cần khắc phục sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ, khắc phục tình trạng gia công, lắp ráp, kể cả cá sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài.
Các Doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu tập quán người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thành công các thị trường xuất khẩu.
Kiểm tra lại lượng xuất khẩu một số mặt hàng bị giảm, trong khi giá tăng, như hạt điều, hạt tiêu, sắn và sản phẩm sắn, than, dầu thô, xơ sợi dệt, sắt thép... giá một số mặt hàng tăng cao, nhưng lượng tăng thấp, như cà phê, phân bón, chất dẻo nguyên liệu, cao su...
Trong khi đó, nhập khẩu cần kiểm soát chặt chẽ hơn về xuất xứ hàng hoá, các mặt hàng giá tăng cao hơn nhưng số lượng cũng tăng vọt, nhất là những sản phẩm thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Về quản lý tỷ giá, chuyên gia cho rằng NHNN cần linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá trung tâm, điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD cũng là một giải pháp NHNN cần tính tới để khuyến khích xuất khẩu đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên, chỉ nên ở mức dưới 1%...
Trà My