Việc mới đây, hãng Samsung đầu tư thêm 920 triệu USD vào Thái Nguyên, nâng tổng vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro - Mechanics tại Thái Nguyên tăng từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD đã cho thấy, mảng điện thoại và linh kiện điện tử vẫn đang tiếp tục là tâm điểm thu hút đầu tư và đóng góp lớn cho xuất khẩu.
Cứ điểm sản xuất của thế giới
Nhìn lại mảng công nghiệp điện tử trong những năm qua có thể thấy, đây là ngành đang rất hot không chỉ trên thế giới mà ngay cả Việt Nam. Vốn được xem là ngành thu hút nhiều lao động giá rẻ và với lợi thế của mình, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới.
Ngoài Samsung như đã kể trên, hàng loạt cái tên khác như: LG, Canon, Intel… đang tiếp tục gia tăng vốn để khẳng định vị thế của mình tại thị trường Việt Nam.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử liên tục dẫn đầu trong ba năm gần đây. Ảnh Int |
Đầu tư hoạt động ở Việt Nam từ năm 1995, Tập đoàn LG đến nay sở hữu 3 nhà máy sản xuất các mặt hàng chính của LG gồm: LG Electronics Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử; LG Innotek Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất và bán các linh kiện điện tử và LG Display Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất màn hình LCD và OLED.
Tháng Tám năm ngoái, LG Display Việt Nam đã tăng vốn đầu tư thêm 1,4 tỷ USD. Với khoản đầu tư mới, LG Display đã nâng tổng số vốn đầu tư dự án ở Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Hải Phòng cho tới thời điểm hiện tại.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới Intel - một cái tên giúp thu hút đầu tư lớn từ nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, nhờ bước tiến về công nghệ cũng như sản xuất. Intel products Việt Nam là dự án đầu tư của Mỹ từ năm 2006 và hoạt động vào năm 2010, đây là khoản đầu tư về công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam với hơn 1 tỷ USD.
Năm ngoái, Intel đã đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) thuộc giai đoạn 1 của nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu.
Hay như Canon Việt Nam, hiện nay đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất, lắp ráp các loại máy xử lý hình ảnh và các loại bộ phận, linh kiện, thiết bị điện tử liên quan bằng kỹ thuật cao với diện tích đất sử dụng 109.954 m2, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2011 với tổng vốn đầu tư đạt 2.134,224 tỷ đồng.
Trong đó, qui mô sản xuất, lắp ráp máy quét tài liệu và các bộ phận, linh kiện, thiết bị có liên quan đạt 108 nghìn bộ sản phẩm/năm; sản xuất, lắp ráp các bộ phận, linh kiện và thiết bị máy in (bao gồm Mô tơ IJ) quy mô đạt 30 triệu bộ sản phẩm/năm; bộ quét la de quy mô đạt 17,256 triệu bộ sản phẩm/năm; sản xuất, lắp ráp các bộ phận, linh kiện và thiết bị máy ảnh, bao gồm: bộ phận cửa trập quy mô 12 triệu bộ sản phẩm/năm; bộ phận lấy nét, quy mô 6 triệu bộ sản phẩm/năm; bộ phận quang học, quy mô 360 nghìn bộ sản phẩm/năm; mô tơ bước siêu nhỏ, quy mô 12 triệu bộ sản phẩm/năm.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Công ty là Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông và tiêu thụ tại thị trường nội địa Việt Nam. Hiện nay, Nhà máy đã thu hút được 1.167 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 1.074 người và lao động gián tiếp là 93 người. Quý 4/ 2021, Canon Marketing Việt Nam đã mở rộng sản xuất, giới thiệu các dòng sản phẩm thiết bị công nghiệp chuyên dụng, vốn đã tạo được uy tín về chất lượng và được nhiều đối tác là các tập đoàn lớn lựa chọn để phục vụ cho sản xuất.
Một tên tuổi nổi tiếng khác về lĩnh vực điện tử cũng không thể không nhắc tới là Foxconn Technology Group. Tập đoàn này được biết đến là đối tác cung ứng, sản xuất linh kiện chính của Apple, chuyên sản xuất các thiết bị liên quan đến máy tính, hàng điện tử, công nghệ thông tin… các sản phẩm của Apple được gia công, sản xuất ở Việt Nam như AirPods, Apple Watch, iPad, Macbook.
Tiếp tục là “quán quân” xuất khẩu 2022?
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Công thương đánh giá, ngành điện tử và linh kiện ở Việt Nam dù mới hình thành nhưng tăng trưởng rất mạnh. Điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác.
Nhìn ở góc độ thương mại, xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu các nhóm hàng trong nhiều năm. Nếu như năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới chỉ đạt 2,3 tỷ USD thì 5 năm sau đó đã tăng thêm 13 lần, đạt 30,2 tỷ USD và liên tục tăng trưởng. Tính đến nay kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đã tăng 25 lần so với năm 2010.
Giai đoạn 2016 - 2020, xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng trưởng bình quân 23,8%. Kết quả này đã đưa Việt Nam từ vị trí 47 năm 2001 lên vị trí 12 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu ngành hàng điện tử.
Ba năm gần đây nhất, từ 2019 đến 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử đều vượt 50 tỷ USD, lần lượt là 51,374 tỷ USD, 51,184 tỷ USD và 57,54 tỷ USD. Duy chỉ năm 2020, xuất khẩu sụt giảm nhẹ 0,4% so với 2019, do ảnh hưởng của năm đại dịch Covid-19 đầu tiên.
Năm ngoái, dù khó khăn do đại dịch, nhưng xuất khẩu điện thoại và linh kiện tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt gần 58 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020, trong đó các thị trường có quy mô hàng chục tỷ USD như Mỹ, Trung Quốc đều tăng nhập điện thoại từ Việt Nam.
Một trong những tập đoàn dẫn đầu về sản xuất, XK điện thoại di động là Samsung. Năm 2021, tập đoàn này đạt doanh thu 74,2 tỉ USD, tăng 14% và kim ngạch XK đạt 65,5 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2020.
Điện thoại từ Việt Nam đã xuất đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung Quốc là thị trường chính, dẫn đầu tiêu thụ nhóm sản phẩm này. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang Mỹ đạt 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%; riêng xuất sang EU (27 nước) giảm 9,1%, đạt 7,89 tỷ USD.
Còn ngay tháng đầu tiên của năm 2022, mặc dù trùng với Tết Nguyên đán nhưng xuất khẩu điện thoại và linh kiện vẫn có giá trị lớn nhất khi đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương dự báo, Việt Nam sẽ tăng tỷ trọng xuất khẩu điện tử máy tính toàn cầu lên gần 4% vào năm 2025. Việt Nam có thể tận dụng tối đa sự bùng nổ trên toàn cầu về nhu cầu máy tính, thiết bị điện tử khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Trà My