Ngày 19/4, Tổng cục Hải quan công bố số liệu thống kê sơ bộ về tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 4 (1-15/4). Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26,08 tỷ USD, giảm 4,7 tỷ USD so với nửa cuối tháng 3/2023.
Cụ thể, xuất khẩu nửa đầu tháng 4 đạt 13,24 tỷ USD, giảm 3,14 tỷ USD, so với nửa cuối tháng 3. Trong đó, các nhóm hàng xuất khẩu lớn với kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu tháng 4 gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt thấp so với cùng kỳ năm ngoái và chưa có dấu hiệu bật tăng một cách ổn định. |
Chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 12,84 tỷ USD, giảm 1,56 tỷ USD. Trong đó, 2 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch tỷ USD trong kỳ này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Tính từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 179,74 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 92,5 tỷ USD, nhập khẩu 87,24 tỷ USD. Như vậy, nước ta đang đạt thặng dư thương mại 5,26 tỷ USD.
Từ đầu năm 2023 đến nay kim ngạch xuất nhập khẩu đạt thấp so với cùng kỳ năm ngoái và chưa có dấu hiệu bật tăng một cách ổn định.
Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ…
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần khai thác thị trường mới, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là giải pháp hữu hiệu để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.
Đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cho biết, đã và đang liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại hàng tháng để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh và những thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác.
Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các FTA mới với các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Đặc biệt, tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc; tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm Covid-19. Từ đó, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu.
Thanh Hoa