Chiều 9/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 ước đạt trên 1,5 tỷ USD. |
Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản), kết quả về sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2021 vẫn đảm bảo duy trì tăng trưởng mặc dù gặp nhiều khó khăn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm ước đạt 4,75 triệu tấn, tăng khoảng 4,17 % so với năm 2020.
Trong đó, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 1,5 tỷ USD.
Theo thống kê hiện có 106 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký xuất khẩu tại 5 tỉnh với số lao động ước khoảng 190.000. Tính đến đầu tháng 9, có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%), số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.
Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi giãn cách toàn vùng (đầu tháng 7/2021). Các tỉnh có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang. Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%, năng suất lao động giảm mạnh.
Những khó khăn do COVID-19 tại các nhà máy chế biến cá tra đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của toàn chuỗi sản xuất cá tra. Do cá tra nguyên liệu không kịp thu hoạch, chế biến, hoạt động sản xuất giống, thả nuôi đã bị hạn chế mặc dù nhu cầu từ thị trường vẫn rất cao.
Sau khi triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, Tổng cục Thủy sản cho biết hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến cơ bản đã được khôi phục. Nhờ đó, hoạt động thả nuôi đã được đảy mạnh góp phần thực hiện kế hoạch của ngành.
Hiện, giá bán cá tra giống dao động khoảng 21.000 đồng - 31.000 đồng/kg (loại 15 - 30 con/kg), đã tăng so với trước. Giá bán cá tra thương phẩm dao động trong khoảng 20.000 - 24.000 đồng/kg (size cá từ 0,8 đến > 1,2kg). Thời điểm trước Tết âm lịch và từ tháng 7 đến tháng 9/2021, giá cá tra giữ ở mức 20.000 - 20.500 đồng/kg.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang tập trung mua cá size lớn từ 900 gram - 1.3 kg trở lên với giá từ 23.500 đồng – 24.000 đồng/kg. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến 15/11/2021 đã đạt 1,3 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản lo ngại diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7-9/2021 giảm khoảng 30-55% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, trong tháng 1-3/2022, khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến.
Bên cạnh đó, ngành cá tra còn đối mặt với các rào cản thương mại như Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Ngoài ra, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ.
Về mục tiêu kế hoạch năm 2022, ngành cá tra dự kiến diện tích thả nuôi phát sinh trong năm đạt trên 5.200 ha; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP (VASEP.PRO), nhu cầu cá tra tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng, nhất là thị trường Mỹ. Đồng thời, các FTA tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường, nhất là những thị trường tiềm năng như Mexico, Brazil, Nga, Colombia, Thái Lan.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất - chế biến và thương mại cá tra và lợi nhuận của doanh nghiệp do các chi phí đầu vào tăng mạnh; cước vận tải biển tăng, thiếu nguyên liệu...
Thy Lê