Khánh Hòa có đến 53.000 phòng lưu trú, nhân lực du lịch từng có tiếng trên khắp cả nước cả về số lượng lẫn chất lượng, nhưng trong những ngày cao điểm của mùa du lịch Tết vừa qua, đã có trường hợp du khách được phục vụ không như mong đợi. Đây là trường hợp điển hình, đủ để nói lên sức nóng của thị trường lao động ngay sau kỳ nghỉ Tết với nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh, nhất là lao động kỹ thuật.
Thiếu nhân lực trầm trọng
Ghi nhận những ngày qua, dù lượng du khách tăng lên đáng kể dịp Tết, thế nhưng ngay cả những địa phương vốn có thế mạnh về nhân lực du lịch cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Hiện nay vấn đề nguồn nhân lực du lịch đang rất “nóng”, đặc biệt là khi hoạt động du lịch trở lại. |
Bà Nguyễn Thị Hương, chủ khách sạn Sơn Lâm (Nha Trang) chia sẻ: Sau nhiều tháng chứng kiến quá trình kinh doanh bị gián đoạn một cách nghiêm trọng, chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy những tia hy vọng. Tuy nhiên, nhân lực của khách sạn lại đang rất thiếu. “Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, hơn 10 nhân viên của khách sạn phải nghỉ việc. Vì vậy, từ cuối năm ngoái chúng tôi đã đăng tuyển nhân viên trở lại nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 5 người, việc tuyển dụng đúng và đủ người tương đối khó dù chúng tôi đã kết nối với nhiều kênh việc làm và cả các trường nghề”.
Sau 2 năm du lịch đóng băng, chị Lê Vân Anh (nhân viên một công ty du lịch tại Hà Nội) chuyển sang kinh doanh quần áo online để duy trì cuộc sống. Kế hoạch quay trở lại với công việc yêu thích của chị Vân Anh vẫn đang "để ngỏ" bởi hiện công việc bán hàng online đang mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao gấp đôi so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Theo thống kê cả nước có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó có những nhân công ở những mảng có liên quan. Sau thời gian dài phải dừng hoạt động để phòng chống dịch, lực lượng lao động ở các khu du lịch, doanh nghiệp du lịch, lữ hành khó có thể cầm cự, phải tìm công việc khác.
Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.
Thiếu nhân lực ngành du lịch là vấn đề đã được các chuyên gia dự báo từ cuối năm ngoái khi tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Covid-19 được phủ rộng, cùng với đó, các chuyến bay quốc tế mở cửa trở lại. Thời điểm đó, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo bàn nhằm "giải bài toán" nhân lực đã nổ ra. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp vẫn rụt rè trong việc tuyển dụng lao động.
"Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới. Năng lực, chất lượng của hệ thống doanh nghiệp du lịch là trụ cột quan trọng để phục hồi, tiến tới phát triển"
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Ông Bùi Minh Thắng, Phó Chủ tịch Chi hội hướng dẫn viên du lịch Nha Trang cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua phần lớn nguồn nhân lực của ngành du lịch như lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên, nhà hàng đã chuyển qua công việc khác. Vì vậy, khi du lịch phục hồi, những người làm du lịch ở Nha Trang không ngờ khách đến Nha Trang lại đạt con số gần 100 ngàn lượt trong dịp Tết vừa qua, nên không kịp trở tay. Hơn nữa, để tìm đủ nhân lực phục vụ dẫu chỉ là khách sạn nhỏ thì cũng đã là chuyện không đơn giản.
Cách nào để hồi sinh
Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhấn mạnh: hiện nay vấn đề nguồn nhân lực du lịch đang rất “nóng”, đặc biệt là khi hoạt động du lịch trở lại. Ông Thắng cũng cho rằng những yếu tố mới, tình tiết mới cần được giải quyết như: Đưa người lao động quay lại làm việc thế nào; tập huấn, nâng cao kỹ năng gì, nội dung đào tạo tập trung vào vấn đề gì; chuẩn bị nguồn nhân lực ra sao khi hình thức, thói quen tiêu dùng, nhu cầu của khách… thay đổi; từng giai đoạn phải làm gì? Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh vào yếu tố năng lực quản trị rủi ro dịch bệnh cho các đối tượng để có sự chủ động và thích ứng với các sự cố tốt hơn.
Đồng tình, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho rằng để sẵn sàng tái xuất trở lại, các doanh nghiệp du lịch hiện cần chú trọng việc đào tạo lại nguồn nhân lực, từ việc thống kê xem nguồn nhân lực còn lại là bao nhiêu, sẵn sàng hoạt động bao nhiêu, năng lực và trình độ đang ở đâu, tạo môi trường để họ làm quen, bắt đầu vào guồng. Guồng máy đi chậm thì việc mở cửa trở lại chắc chắn bị ảnh hưởng.
“Trên cơ sở dữ liệu đó, xây dựng chương trình đào tạo theo 2 cấp: Cấp thứ 1 là doanh nghiệp tự đào tạo, có chi phí hỗ trợ mang tính chất khuyến khích từ hiệp hội hoặc Chính phủ; Cấp 2 là từ phía nhà nước, Tổng cục Du lịch và các Sở du lịch địa phương”, ông Mẫn nói.
Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang rốt ráo vào cuộc khôi phục lại nguồn nhân lực đã “bị mất”. Bà Cao Minh Trúc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire chia sẻ: Đối với khách sạn của chúng tôi, hiện nay, đang cố gắng giữ lại bộ khung lao động, khi lượng khách ổn định trở lại thì nhân số lượng lao động lên, từ đó vẫn hoạt động trơn tru.
Liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn lao động, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Để giải bài toán thiếu hụt nhân lực, Sở Du lịch chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tổ chức các lớp đào tạo hình thức trực tuyến, chương trình 4.0 cũng đã hỗ trợ".
Tương tự, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch có nguồn nhân lực chất lượng, đảm bảo phục vụ tốt cho khách du lịch, thời gian qua, TP. Đà Nẵng triển khai khoảng 30 lớp đào tạo miễn phí để huấn luyện, đào tạo lại nhân lực trong ngành du lịch.
“Mặc dù vậy, lượng lao động quay trở lại làm việc hiện mới đạt ở con số khoảng 60%. Do đó, Sở Du lịch đã tính đến phương án khi tổ chức các lớp đào tạo sẽ quay video để chia sẻ rộng rãi hơn cho toàn bộ lực lượng lao động của ngành du lịch để doanh nghiệp du lịch có chất lượng chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhất cho khách du lịch", bà Hạnh cho hay.
Thanh Hoa