Tồn kho cà phê tại các nguồn cung lớn như Việt Nam, Brazil ở mức thấp cùng tình trạng nông dân hạn chế bán ra khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn và hỗ trợ giá tăng.
Trong báo cáo về thị trường cà phê phát hành ngày 21/12, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ước tính tồn kho cà phê thế giới đang được ghi nhận ở mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây.
Trong niên vụ hiện tại tồn kho chỉ ở mức 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm 16,7% so với báo cáo trước và 4% so với số ước tính cho niên vụ 2022/2023. Cùng với đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US dù hồi phục nhưng tốc độ tăng còn rất chậm và vẫn ở mức thấp 24 năm, với 247.912 bao loại 60kg.
Tồn kho cà phê của thế giới đang thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. |
Không chỉ vậy, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil đang hạn chế bán ra do tỷ giá USD/BRL tụt mạnh 0,92% cũng làm nguồn cung ngày càng thu hẹp, nguy cơ thiếu hụt cao.
Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Dù giá xuất khẩu cao nhưng theo thống kê của ngành Hải quan lượng cà phê xuất khẩu giảm dần trong 2 tháng gần đây do lượng tồn kho của cà phê Việt Nam hiện đã giảm đến mức thấp nhất từ trước đến nay.
Tại thị trường trong nước, do tồn kho giảm nên giá cà phê cũng thường bị đẩy lên tới đỉnh, có thời điểm tăng lên 70.000 đồng/kg giá cà phê. Cập nhật lúc 4h24 ngày 27/12/2023 giá tiếp tục giữ ổn định so với phiên giao dịch trước và đang đứng ở mức khá cao. Hiện giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên khoảng 67.800 đồng/kg. Cao hơn giá trung bình tháng trước khoảng 8.000-10.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là EU giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó dư địa tại Trung Quốc ngày càng tăng do chuyển dịch xu hướng ưa chuộng cà phê hơn trà của giới trẻ nước này.
Tuy nhiên, Vicofa cũng dự báo sản lượng niên vụ 2023/2024 thấp, có thể giảm từ 5-10%, tương ứng mức sản lượng chỉ đạt khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn và sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 1,4 triệu tấn.
Hiện, ngành cà phê Việt Nam đang tập trung nhiều giải pháp cho tăng sản xuất, phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU. Các nhà rang xay lớn của thế giới như JDE, Nestle, Tchibo… đang phối hợp với các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp… để xây dựng các chương trình cà phê bền vững cũng như cam kết tăng mạnh sản lượng cà phê có chứng nhận trong các năm tới.
Bích Tâm