Mặc dù được giảm phí sử dụng đường bộ đến 31/12/2020, nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải lo lắng sau thời điểm này sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn khi dịch bệnh chưa có hồi kết. |
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thực hiện Thông tư số 74/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe ôtô vận tải hành khách và xe tải (gồm cả xe chuyên dùng, đầu kéo) kinh doanh vận tải, từ 10/8/2020 - 31/01/2020 các trung tâm đăng kiểm sẽ triển khai việc bù trừ, giảm phí theo quy định.
Tổng số tiền giảm tới 316 tỷ đồng
Cụ thể, xe ôtô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng được giảm 30% phí sử dụng đường bộ; xe tải, xe ôtô chuyên dùng, xe đầu kéo được giảm 10% phí so với mức nộp thông thường.
Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết, tính đến tháng 6/2020 có khoảng hơn 805.300 phương tiện được giảm phí sử dụng đường bộ. Tại thời điểm thông tư có hiệu lực, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải có thể phát sinh lớn hơn và ước tính tổng số phí giảm trừ cho các đối tượng, phương tiện khoảng trên 316 tỉ đồng.
Phân tích về việc hưởng lợi từ Thông tư số 74/2020, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Thông tư quy định rõ, trường hợp xe ôtô đã nộp phí (theo mức cũ) trong khoảng thời gian Thông tư có hiệu lực, chủ xe sẽ được bù trừ số tiền phí chênh lệch với số phí phải nộp của chu kỳ tiếp theo. Đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm tính bù trừ tiền phí cho chủ xe vào chu kỳ tiếp theo.
Đối với trường hợp xe đã nộp phí nhưng chưa đến hạn đăng kiểm và làm thủ tục, khi nộp phí cho chu kỳ tiếp theo vào thời điểm sau 31/12/2020 (thời điểm thông tư hết hiệu lực), chủ xe vẫn được đơn vị đăng kiểm thực hiện bù trừ số phí được giảm theo quy định tại Thông tư. Khi chủ phương tiện đi đăng kiểm, nộp phí sẽ được trung tâm đăng kiểm thực hiện bù trừ số phí cụ thể được giảm.
Đối với trường hợp xe kinh doanh vận tải nộp phí sử dụng đường bộ lần đầu vào thời gian thông tư có hiệu lực, từ 10/8/2020-31/12/2020, việc giảm được tính từ khi xe bắt đầu nộp phí đến hết 31/12/2020.
Cần có chính sách dài hơi
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, giám đốc CTCP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, việc giảm phí này sẽ giúp cho doanh nghiệp đỡ một phần khó khăn suốt thời gian diễn ra dịch bệnh. Theo tính toán của ông Hải, Công ty có khoảng 400 xe loại 5 chỗ ngồi và 70 xe loại 47 chỗ, phí sử dụng đường bộ hàng tháng trung bình cho xe con là 250.000 đồng/tháng, xe to là 450.000 đồng/tháng. Như vậy, với mức giảm 30% thì một tháng Công ty sẽ giảm được một khoản tiền tương đối để tái đầu tư.
Còn ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, chia sẻ, từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp vận tải khách hầu như không có doanh thu, vì sản lượng giảm đến trên 70%, 30% còn lại chỉ là để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
"Việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 lần 1 đã giúp các doanh nghiệp giảm khó, nhưng rất mong Chính phủ và các cơ quan chức năng hỗ trợ tiếp cho các doanh nghiệp vận tải vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã gây thiệt hại lớn hơn nhiều với diễn biến phức tạp", ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm XCG 2903S - Hà Nội cho biết, hiện Cục Đăng kiểm đã cập nhật phần mềm quản lý thu, nộp phí sử dụng đường bộ để các đơn vị đăng kiểm thuận lợi trong việc tính toán bù trừ phí cho đối tượng phương tiện được thụ hưởng chính sách trên.
Cụ thể nếu xe taxi đến kỳ kiểm định tại trung tâm từ 10/8/2020-31/12/2020 được giảm 30%, từ 01/01/2021 sẽ lại tính phí bình thường theo biểu phí của Thông tư 293/2016. Các xe đến làm thủ tục đều có phù hiệu kinh doanh vận tải và trong lịch sử kiểm định cũng đã ghi rõ là xe vận tải nên rất đơn giản và khó lợi dụng để trục lợi.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, việc bù trừ phí cho các khoản đóng trước hoặc sau rất đơn giản, nhưng vấn đề doanh nghiệp mong Chính phủ có chính sách dài hơi hơn, bởi sau 31/12/2020 khi Thông tư hết hiệu lực thì sẽ đối mặt với khó khăn như thế nào, trong khi đó tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp chưa có hồi kết.
Hải Sơn