Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hoá trong dịp sát Tết Nguyên đán (Ảnh: Int) |
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) tổ chức ngày 8/1.
Còn tình trạng cán bộ tiếp tay cho buôn lậu
Đánh giá về nhiệm kỳ 5 năm (2015-2020), ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban 389 cho rằng, từ khi thành lập đến nay, Ban 389 đã đấu tranh có hiệu quả, phát hiện xử lý hơn 1,2 triệu vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN hơn 116.963 tỷ đồng, khởi tố hình sự 10.288 vụ và 12.398 đối tượng. Góp phần từng bước kiểm soát, ổn định thị trường, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng.
Riêng năm 2020 với sự cố gắng, quyết tâm cao của Ban 389 cùng các bộ ngành, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp NSNN hơn 24.871 tỷ đồng (tăng 15,39%), khởi tố 2.543 vụ (tăng 28,3%) và 3.502 đối tượng (tăng 49,46%).
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Thế, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt hàng giả hàng nhái, hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn trọng điểm. Tồn tại trên nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế chính sách, phối hợp lực lượng, trang bị phương tiện... Nhưng quan trọng nhất vẫn là tinh thần, trách nhiệm của các đơn vị chức năng và cán bộ thực thi công vụ.
“Đáng nói, năm 2020 đối tượng buôn lậu đã chuyển địa bàn hoạt động từ đường mòn lối mở sang các cửa khẩu chính ngạch”, ông Thế cho hay.
Nguyên nhân do thời gian qua các lực lượng chức năng đã kiểm soát rất chặt chẽ đường mòn lối mở giữa các tỉnh biên giới, nên các đối tượng không còn "đất sống", tình trạng buôn lậu đã giảm ở nơi đây, nhưng lại chuyên sang buôn lậu ở cửa khẩu chính ngạch.
Đặc biệt, tình trạng buôn lậu tại các cửa khẩu chính ngạch đã có sự tiếp tay của các cán bộ quản lý. Năm 2020 thống kê qua những vụ việc các lực lượng chức năng phát hiện được đều xem xét xử lý các tập thể và cá nhân.
Ví dụ như vụ án buôn lậu hơn 100 tấn dược liệu ở cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) có sự liên quan đến một số cán bộ hải quan nơi đây. Hay gần đây nhất là vụ buôn lậu 500 tấn hàng hoá tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) đã có 5 cán bộ hải quan bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Trước tình hình này, ông Thế khẳng định: “Năm 2021 sẽ đẩy mạnh đấu tranh ngay trong chính nội bộ các cơ quan thực thi”.
Hàng giả sẽ phát triển cùng thương mại điện tử?
Về triển khai nhiệm vụ năm 2021, Chánh Văn phòng Ban 389 cho biết, cuối năm 2020 Ban 389 đã ký ban hành ra mắt Tổ Công tác kiểm tra, thực hiện Kế hoạch 399/QĐ-BCĐ389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử (kế hoạch 399).
Theo đánh giá của ông Đàm Thanh Thế, thương mại điện tử (TMĐT) năm nay rất phát triển, người dân có xu hướng sử dụng TMĐT trong kinh doanh, mua sắm... Vì vậy, nhiều đối tượng lợi dụng để đưa hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái... và nhằm mục đích trốn thuế.
“Kế hoạch 399 năm nay có thời hạn dài hơn, đến 3 năm để tổng kết, nên đã thành lập tổ chuyên trách giúp thực hiện kế hoạch 399 đạt yêu cầu”, ông Thế cho hay.
Năm nay, trước hết là tổ công tác sẽ hướng dẫn cho các bộ ngành trên địa bàn trọng điểm nhận diện TMĐT có dấu hiệu vi phạm pháp luật để kiểm tra đúng và trúng. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân kinh doanh, mua bán và sử dụng TMĐT tuân thủ quy định pháp luật.
Chia sẻ thêm về kế hoạch triển khai công tác trong năm 2021 của Cục quản lý thị trường, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng cục Quản lý thị trường, đánh giá TMĐT vô cùng tiềm năng trong những năm sắp tới. Ngay cả các tổ chức nước ngoài đánh giá, năm 2020 giá trị giao dịch TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 14 tỷ USD, tăng 46%. Việt Nam nằm trong 10 nước ASEAN có tốc độ người dùng mới internet chiếm đến 40% dân số. Dự báo năm 2025 giá trị giao dịch TMĐT sẽ đạt giá trị giao dịch lên đến 52 tỷ USD.
Vì vậy quy mô thị trường ngày càng phình rộng thì công việc của các đơn vị quản lý thị trường sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, ông Linh cho biết, khó khăn hiện nay là số lượng cán bộ thực thi nhiệm vụ còn mỏng.
“Trước đây cán bộ quản lý thị trường rất ngại kiểm tra đối tượng TMĐT do việc xác định mô hình, đối tượng kiểm tra rất khó. Vì vậy, vấn đề con người, kiến thức, kỹ năng để kiểm soát lĩnh vực TMĐT rất quan trọng. Tuy nhiên, năm nay kế hoạch 399 đặt mục tiêu trọng tâm là hướng dẫn lực lượng chức năng về quy trình kiểm tra TMĐT", ông Linh nói.
Ngoài ra, ông Linh cũng cho rằng hiện nay có 2 mảng được các đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng lậu, hàng giả qua TMĐT, đó là các công ty chuyển phát giao nhận và bán hàng xuyên biên giới. Vì vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị liên quan để công tác chống hàng lậu đạt hiệu quả cao nhất.
Thanh Hoa