Theo bà Kim Thu (Chuyên gia thị trường tôm của Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP), xuất khẩu trong tháng đầu năm tăng trưởng khá khi doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các đơn hàng đã ký cuối năm 2021. Đây cũng là nỗ lực của doanh nghiệp và toàn ngành đồng thời là tín hiệu hứa hẹn cho một năm thành công của hoạt động xuất khẩu tôm cả nước.
Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 1/2022 đạt trên 313 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu ở hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng khả quan.
Tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 76%, tôm sú chiếm 14%, còn lại là tôm biển. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 238 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tôm sú đạt gần 43 triệu USD, tăng 92%. Trong các sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến tăng mạnh nhất 157%.
Các doanh nghiệp thủy sản cũng kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022. |
Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, chiếm 21,5% tổng xuất khẩu tôm của cả nước. Xuất khẩu tôm đi Mỹ tháng 1/2022 đạt hơn 67 triệu USD, tăng 9% so với tháng 12/2021 và tăng 61% so với tháng 1/2021.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, doanh số tiêu thụ của các doanh nghiệp thủy sản rất khả quan trong tháng đầu năm 2022. Các công ty xuất khẩu tôm gần đây đã mở rộng năng lực sản xuất, điều này hỗ trợ những công ty này hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng toàn cầu.
Đơn cử, Công ty Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) vừa có báo cáo kết quả kinh doanh tháng 1/2021 với sản lượng tôm thành phẩm đạt 1.820 tấn, tăng 40% và sản lượng nông sản đạt 164 tấn, tăng 15% so cùng kỳ năm 2021.
Tương ứng, doanh số tiêu thụ Công ty trong tháng đạt 28,9 triệu USD, tương đương 659 tỷ đồng và tăng 90% so cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, doanh nghiệp đưa Nhà máy thủy sản Sao Ta với công suất 15.000 tấn/năm và Nhà máy chế biến tôm Tam An, công suất 5.000 tấn/năm vào hoạt động. Từ đó, nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ gia tăng được sản lượng đáng kể để đón đầu xu thế tăng trưởng khi bắt đầu một chu kỳ kinh tế mới.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC/HoSE) cũng công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2022 với tổng doanh thu đạt 777 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp thủy sản cũng kỳ vọng xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 khi nhu cầu của Hoa Kỳ tăng, trong khi đó, nước xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ là Ấn Độ gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.
Các chuyên gia cho rằng, năm nay ngành thủy sản nói chung và xuất khẩu tôm nói riêng còn được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương. Ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, một số mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU có mức thuế suất 12-20% sẽ về 0% như tôm sú đông lạnh...
Còn nhiều dư địa phát triển
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỉ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Nhóm hàng tôm vẫn là “át chủ bài” trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu, mang về giá trị kim ngạch lớn nhất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2022 đạt hơn 4 tỷ USD. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm hiệu quả, liên kết giữa các địa phương nuôi tôm để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2022, thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam là Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh do nhu cầu của Mỹ và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19.
Điều đáng nói là, Hoa Kỳ đã tạo nên một kỷ lục mới về sản lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm, với 7 tỉ USD và sản lượng trên 750.000 tấn. Trong đó, tôm Ấn Độ giữ vị trí hàng đầu (36-38%), tôm Indonesia xếp vị trí thứ hai (18-20%), Ecuador thứ ba suýt soát Indonesia. Tôm Việt xếp hạng thứ năm với thị phần chưa tới 10%. Như vậy, thị phần tôm sang thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn và Việt Nam phải tận dụng được các ưu thế của riêng mình.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam có nhiều lợi thế sau khi Hiệp định CPTPP được thực thi. Trong năm 2022, trong số 4 thị trường nhập khẩu đơn lẻ tôm Việt Nam lớn nhất trong khối, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản phục hồi chậm, trong khi các thị trường Canada, Australia, Singapore có xu hướng phục hồi tốt.
Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỉ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Nhóm hàng tôm vẫn là “át chủ bài” trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu, mang về giá trị kim ngạch lớn nhất.
Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, nỗ lực sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng khoảng 5% mỗi năm.
Do đó, đại diện VASEP cho rằng, những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong năm 2022 về xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục đóng vai trò “thị trường chính” là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu (EU). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực khai mở, tháo gỡ những khó khăn của các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…
Tuy nhiên, theo TS. Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Fimex Việt Nam, ngành tôm xuất khẩu Việt Nam muốn phát triển cần phải biết tối ưu những thế mạnh và giảm thiểu những điểm yếu. Một trong những “điểm trừ” làm giảm lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt Nam là giá thành cao. Để giải quyết vấn đề này, cần cải thiện cơ bản là tăng tỉ lệ thu hồi đầu con, tức là tăng tỉ lệ thành công ao nuôi. Như vậy cần con giống tốt và quy trình nuôi phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Trong đó chú trọng tối ưu hệ số thức ăn, bởi thức ăn có thể chiếm hơn 50% giá thành. Ngoài ra, xem xét giá cả các cơ sở cung ứng đầu vào, đặc biệt là thức ăn và các chế phẩm nuôi tôm.
“Khi cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, sẽ tăng sức cạnh tranh tôm ta trên thương trường thế giới. Trong canh tác, doanh nghiệp khẩn trương thúc đẩy công tác đánh mã số cơ sở nuôi, bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này càng nhanh chỉ có lợi cho tốc độ tăng trưởng (bề rộng) và thâm nhập các hệ thống phân phối cấp cao (chiều sâu), bởi các hệ thống cao cấp cần kiểm soát, truy xuất cả chuỗi"– TS Hồ Quốc Lực nói.
Trà My