Theo đánh giá mới đây từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), trong tháng 9/2020 vừa qua xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam sang Mỹ có sức tăng trưởng tốt với tỷ lệ 39,6% so với tháng 9 năm ngoái.
Cảnh báo từ thị trường Mỹ
Hiện tại, Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 24%. Trái với lo ngại sụt giảm kim ngạch XK do ảnh hưởng dịch Covid-19, tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, XK tôm sang thị trường Mỹ đạt trên 634,4 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ để chế biến XK có thể khiến DN gặp rủi ro. |
Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, XK tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong tất cả các tháng của 9 tháng đầu năm nay. Mỹ được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu (NK) tôm Việt Nam ổn định nhất trong 9 tháng đầu năm 2020. Nhu cầu NK tôm của Mỹ vẫn tốt để phục vụ phân khúc bán lẻ.
Trên thị trường Mỹ, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ và Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.
Tuy nhiên, thông tin mới đưa ra từ Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) khi kết luận về sai phạm liên quan XK tôm có nguồn gốc Ấn Độ từ MSeafood Corporation - chi nhánh của CTCP Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú là điều mà các doanh nghiệp (DN) XK tôm cần lưu tâm trong lúc này.
Trong thông báo hồi giữa tháng 10/2020, CBP cáo buộc có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation (NK tôm từ Minh Phú trong giai đoạn điều tra từ tháng 10/2018 đến ngày 13/10/2020) đã pha trộn tôm xuất xứ Ấn Độ với tôm xuất xứ Việt Nam để biến sản phẩm thành có nguồn gốc duy nhất là Việt Nam rồi XK sang Mỹ.
Điều này dẫn đến việc tránh thuế chống bán phá giá với tôm có xuất xứ Ấn Độ (chịu mức thuế 10,17%) và CBP cảnh báo là họ và các cơ quan khác có thể sẽ có thêm động thái hoặc hình phạt bổ sung.
Cần nhắc lại, hồi tháng 6 năm ngoái, đại diện của Minh Phú không phủ nhận việc NK tôm nguyên liệu từ Ấn Độ với tỷ lệ khoảng 10% tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của họ để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước ở những thời điểm nhất định.
Như chia sẻ của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT của Minh Phú vào thời điểm đó thì việc NK tôm nguyên liệu phục vụ chế biến không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.
Ông Quang cũng cho biết với kinh nghiệm XK tôm vào Mỹ nhiều năm liền và hiểu rõ yêu cầu khắt khe về xuất xứ hàng hóa của Mỹ nên DN đã kiểm soát rất chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào đối với sản phẩm XK vào thị trường này.
Rủi ro thiếu hụt tôm nguyên liệu
Tuy nhiên, các cáo buộc của phía Hoa Kỳ đang cho thấy những phân trần của Minh Phú đã không được họ ghi nhận. Thậm chí, họ còn bị cho là có động cơ để che giấu nguồn gốc thực sự của tôm XK và không hợp tác hết sức trong quá trình điều tra.
Giới phân tích nhận định đây là bài học để các DN XK tôm của Việt Nam cẩn trọng hơn trong việc dùng nguồn tôm nguyên liệu NK để chế biến phục vụ cho XK sang các thị trường chủ lực.
Nhất là khả năng đáp ứng từ nguồn tôm nguyên liệu trong nước vẫn còn là thách thức cho các DN chế biến. Bởi lẽ, từ đầu năm nay, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khiến nhu cầu tiêu thụ tôm giảm, dẫn đến giá bán tôm XK và giá tôm nguyên liệu cũng giảm theo. Do đó, đa số các hộ nuôi tôm chậm tiến hành thả nuôi vụ mới hoặc thu hẹp diện tích.
Ngoài ra, tại một số tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau,... tình hình xâm ngập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng cũng được xem là nguyên nhân gây nhiều khó khăn cho hoạt động nuôi tôm của nông dân.
Như ở Sóc Trăng, tính đến tháng 9/2020 vụ tôm nước lợ năm nay toàn tỉnh mới chỉ thả nuôi trên 39.000 ha, chỉ đạt 78,4% kế hoạch đề ra và bằng 72,8% cùng kỳ năm ngoái.
Với các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang, tính đến tháng 10/2020 diện tích thả nuôi đã đạt kế hoạch. Tuy nhiên, theo dự báo sản lượng tôm của 3 tỉnh này sẽ tăng so với vụ nuôi 2019 nhưng vẫn khó đạt được kế hoạch.
Do hiện có rất ít diện tích tiếp tục thả tôm và khả năng mùa lạnh năm nay đến sớm làm cho việc thả nuôi sẽ gặp rủi ro, nên một số DN chế biến tôm còn đưa ra dự báo tình hình thiếu nguyên liệu sẽ còn kéo dài sang những tháng đầu năm 2021.
Với tình hình giảm diện tích thả nuôi như vậy, sẽ khiến các DN XK tôm Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu đầu vào khi nhu cầu tại các thị trường XK tăng trở lại sau dịch bệnh.
Bên cạnh đó, diễn biến giá tôm nguyên liệu trên thị trường sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức độ hồi phục nhu cầu tại các thị trường XK tôm của Việt Nam.
Phải thấy rằng, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng, còn giá tôm nguyên liệu NK thường có xu hướng rẻ hơn tôm nuôi trong nước, nếu như DN nhập tôm nguyên liệu về chế biến XK (với Ấn Độ là thị trường cung cấp chính) thì những rủi ro ở “cửa ải” xuất xứ sẽ còn chực chờ ở phía trước.
Thế Vinh