Mặt hàng rượu bia từng là nhóm hàng thiết yếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, những năm gần đây lại được nhiều người đưa vào danh sách ưu tiên cắt giảm do kinh tế khó khăn, đồng thời cơ quan chức năng siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Giảm giá mạnh vẫn "ế"
Anh Lê Hồng Quang (Hà Nội) chia sẻ: Thường mọi năm, gia đình đều mua một thùng nước ngọt cho mấy đứa trẻ vui với bạn bè, vài thùng bia mời bà con làng xóm ghé chúc Tết và cùng gia đình cúng đưa ông bà. Cũng như năm ngoái, Tết 2025 sẽ đổi từ bia sang nước hoa quả để tiếp khách”.
Việc cắt bia rượu ra khỏi danh mục mua sắm Tết như gia đình anh Quang cũng là lựa chọn của nhiều người. Do đó, dù thời điểm này hầu hết các loại bia (cả mẫu xuân và mẫu thường) đều giảm giá từ 4%-15%, tương đương đến vài chục nghìn/thùng, nhưng người mua lại không mấy mặn mà với mặt hàng này.
Năm ngoái thời điểm này tại các cửa hàng tiện ích như Bách hoá Xanh, Co.op Food, hay một số siêu thị... mặt hàng bia Tết được trữ khá nhiều nhưng năm nay chỉ trưng bày "lèo tèo" như ngày thường. Bia Tết không còn "phô" ra mặt tiền như những năm trước mà được đặt ở vị trí khuất tầm nhìn dưới "chân" khách.
Còn khoảng 1,5 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng mặt hàng bia Tết đã giảm giá lên đến vài chục nghìn đồng/thùng cũng không thu hút được khách mua. |
Tình trạng này cũng diễn ra tại các tiệm tạp hoá, cửa hàng tiện lợi, trước đây bày bán bia Tết khá nhiều nhưng năm nay lại "teo tóp" chỉ còn vài thùng. Chị Lê Vy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là các hộ gia đình. Trong số các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng bia là mặt hàng có doanh thu sụt giảm nhất khoảng 35 - 40% trong năm nay. “Sức tiêu thụ bia đã giảm mạnh từ Tết năm 2024. Dự báo nhu cầu tiêu thụ dịp Tết 2025 cũng không tăng nhiều. Do đó, thời điểm này tôi cũng không dự trữ hàng, mỗi đợt chị nhập khoảng 10 thùng, bán hết mới nhập tiếp”, chị Vy nói và cho biết thêm đại lý đang khuyến mãi giảm giá trực tiếp để hút khách.
Theo ghi nhận của VnBusiness, giá bán so với đầu tháng 12 đã giảm nhẹ. Cụ thể, bia Heineken có mức giá 444.000 đồng thì nay giảm gần 20.000 đồng còn 425.000 đồng/thùng. Tương tự, bia Tiger 330ml giảm còn 340.000 đồng/thùng, bia 333 từ 314.000 còn 305.000 đồng/thùng, bia Sài Gòn Lager giảm còn 255.000 đồng/thùng, Budweiser còn 290.000 đồng/thùng, Bia Việt còn 123.000 đồng/thùng, Sài Gòn Export còn 115.000 đồng/thùng…
Theo giới kinh doanh, giá bia tại các siêu thị đang rẻ hơn thị trường bên ngoài khá nhiều do siêu thị có chính sách bán bia lợi nhuận thấp để thu hút khách. Dù vậy, bia là mặt hàng cồng kềnh nên chưa được ưu tiên mua thời điểm này. Phần lớn người tiêu dùng đang chờ cận Tết siêu thị khuyến mãi giảm giá thêm mới mua.
Khó khăn vẫn còn
Ngành bia rượu Việt Nam đã trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát. Cùng với đó là sức cầu suy yếu, chính sách siết đồ uống có cồn và xu hướng hạn chế bia rượu ở giới trẻ.
Nhu cầu tiêu thụ giảm đã trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này. Bước sang năm 2024, trong nửa đầu năm các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên, kể từ quý III, ngành bia bắt đầu hồi phục và đón nhận những tín hiệu tích cực hơn khi tình hình kinh tế được cải thiện. Điều này được phản ánh qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là trong quý này.
Đơn cử, Quý III, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) ghi nhận doanh thu thuần tăng 3% lên 7.670 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 29,7%, giảm so với mức 30,1% của quý III năm ngoái. Trừ đi các chi phí, Sabeco báo lãi sau thuế tăng 8% lên 1.161 tỷ đồng nhờ doanh số bán hàng gia tăng khi tình hình kinh tế cải thiện. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Sabeco có gần 22.940 tỷ đồng doanh thu và hơn 3.504 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 5% và 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, trong quý III, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - Mã: BHN) và các công ty thành viên cũng có lợi nhuận tăng trưởng nhẹ.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác vẫn trải qua quý III kinh doanh không mấy thuận lợi như Heineken Việt Nam khi doanh số và sản lượng tiêu thụ đều giảm nhẹ một chữ số.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), gam “màu nắng” hiếm hoi của Heineken Việt Nam trong quý này là đẩy mạnh đầu tư mảng phổ thông và ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số tại các thương hiệu như Bia Viet, Larue..
Mới đây, trong báo cáo tài chính niên độ 2024 (IV/2023-III/2024 theo thực tế), Công ty TNHH Thai Beverage (Tập đoàn Thaibev) cho biết Việt Nam là thị trường lớn thứ hai của họ sau quê nhà Thái Lan. Tổng doanh thu hợp nhất niên độ này ghi nhận hơn 60 tỷ baht (khoảng 1,76 tỷ USD). Nếu tính theo VND, Thaibev có hơn 45.800 tỷ đồng, tức mỗi ngày ghi nhận bình quân 125,5 tỷ đồng doanh thu. Mức doanh thu trên được tính gộp từ công ty con tại Việt Nam và cả mảng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp của tập đoàn cho khách hàng Việt. Tuy vẫn ở mức cao, con số trên đã giảm gần 2,1 tỷ baht so với niên độ 2023. Đây cũng là mức thấp nhất trong hai năm qua. Mức doanh thu kể trên còn chưa bằng con số niên độ 2019.
Dù ngành bia đang dần “thoát đáy” nhưng trong dài hạn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước các quy định về tuân thủ nồng độ cồn và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025 đưa ra các phương án sửa đổi điều chỉnh theo hướng tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và thu hẹp lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng bia, dự kiến gây ra tác động gồm giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt trong phân khúc khách hàng có thu nhập thấp. Điều này ảnh hưởng đến biên lợi nhuận buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược giá hoặc giảm chi phí để duy trì cạnh tranh và thúc đẩy chuyển dịch tiêu dùng sang các sản phẩm thay thế khác như rượu hoặc các sản phẩm nhập lậu rẻ tiền hơn.
Do đó, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại các sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, thị trường trong thời gian tới.
Thanh Hoa