Thị trường bia trong nước hiện có 181 doanh nghiệp sản xuất tham gia, theo dữ liệu bán lẻ của NIQ. Trong đó, hơn 90% doanh thu, sản lượng thuộc về 4 nhà sản xuất lớn, gồm doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài là Heineken, Sabeco, Habeco và Carlsberg.
Sụt giảm doanh thu, lợi nhuận
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken (Hà Lan) cũng cho thấy, sản lượng bia toàn cầu của hãng giảm 4,7%, chủ yếu do thị trường Việt Nam và Nigeria.
Tại thị trường Việt Nam, theo Báo cáo tài chính bán niên 2024 hợp nhất của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - đơn vị sở hữu 40% phần vốn tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam và Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading). Hai doanh nghiệp này nắm vai trò sản xuất và phân phối các sản phẩm bia cho Tập đoàn Heineken (Hà Lan) tại Việt Nam, ghi nhận doanh thu nửa đầu năm nay đạt 4.651 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để thúc đẩy doanh số, Heineken nỗ lực quảng bá bia không cồn. |
Sự đi xuống của doanh thu thuần không lớn, nhưng lợi nhuận sau thuế của Satra trong nửa đầu năm lại giảm tới 56% cùng kỳ, chỉ đạt 792 tỷ đồng.
Lý do chính đến từ khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, lãi từ công ty liên doanh liên kết mang về cho Satra 1.470 tỷ đồng, giảm 28%, tương ứng "bốc hơi" gần 590 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Mới đây, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tạm ngừng hoạt động dự án Nhà máy bia Heineken Việt Nam - chi nhánh Quảng Nam.
Dù chỉ là nhà máy có công suất nhỏ nhất trong 6 cơ sở tại Việt Nam, động thái lần này của Heineken vẫn phản ánh những khó khăn chưa từng có mà nhà sản xuất bia dẫn đầu thị phần đang đối mặt.
Trong thông báo của Heineken Việt Nam gửi tỉnh Quảng Nam cũng nêu nguyên nhân đóng cửa nhà máy do từ sau đại dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt khó khăn do tăng trưởng kinh tế chậm lại, dẫn đến sự sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng.
"Mặt khác, Heineken Việt Nam cũng cho rằng việc triển khai nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã góp phần thay đổi hành vi, thói quen mới của người tiêu dùng. Kết quả là thị trường bia Việt Nam đã sụt giảm liên tục doanh số. Để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, Heineken quyết định tinh giản hoạt động, tạm dừng nhà máy tại Quảng Nam", thông báo của Heineken Việt Nam cho hay.
Thực tế không chỉ Heineken, 6 tháng đầu năm nay vẫn khó khăn với nhiều công ty bia trong nước khi lợi nhuận sụt giảm. Như Habeco - chủ hãng bia Hà Nội, lợi nhuận ròng nửa đầu năm đạt 151 tỉ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Hay CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB), lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 18% cùng kỳ. Tương tự, Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Phú Thọ (BSP) lỗ hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2023 lãi 260 triệu đồng.
Chỉ riêng Sabeco ghi nhận lãi nhẹ trong nửa đầu năm nay, với doanh thu đạt 15.378 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 2.342 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 6% so với cùng kỳ năm trước.
Nỗi lo "cú sốc" tăng thuế
Tại một hội thảo về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, được tổ chức gần đây bà Lê Minh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ NielsenIQ (NIQ), cho biết năm 2022 ngành hàng bia hồi phục, tăng trưởng hai chữ số với việc mở cửa lại của các nhà hàng, quán ăn sau dịch Covid. Tuy nhiên, từ năm 2023, do ảnh hưởng đến từ chính sách siết kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100, áp lực kinh tế, nhu cầu tiêu thụ của ngành hàng bia sụt giảm. "Trong hơn 1 năm, mức sụt giảm này là 6% trên cả nước và 11% tại 6 thành phố lớn, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ và TP HCM", bà nói.
Dữ liệu của công ty chứng khoán FPTS cho thấy, doanh thu Heineken năm ngoái giảm 20% so với năm trước, Sabeco giảm 12% và Habeco giảm 7,7%.
Theo thống kê của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm, khoảng 6-12% một năm trong giai đoạn 2021-2022, riêng năm ngoái là 10-12% so với trước. Còn 8 tháng đầu năm 2024, sản lượng ngành giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc này ảnh hưởng tới thu ngân sách, tác động đến lực lượng lao động và các ngành phụ trợ như cung cấp nguyên vật liệu và logistics.
Chính vì thế, các nhà sản xuất bia rượu lo ngại, sức tiêu thụ bia rượu vốn đã sụt giảm bởi Covid-19 và Nghị định 100, sẽ tiếp tục chịu thêm "cú sốc" khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng nhanh và mạnh, đẩy họ vào tình thế khó khăn.
Theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, thuế suất với rượu, bia sẽ tăng theo lộ trình đến năm 2030. Trong đó, thuế với bia dự kiến tăng từ 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, cho rằng Heineken và các hiệp hội luôn ủng hộ mục tiêu tăng thuế để bảo vệ người dân và môi trường, tuy nhiên việc tăng thuế này cần đảm bảo hài hòa lợi ích".
Để tạo điều kiện cho các ngành phục hồi, đại diện Heineken kiến nghị nên giữ thuế nguyên trong 2026, tăng thuế từ 2027, nên tăng không quá 2 năm/lần, mỗi lần 5%, hướng tới tối đa 80%.
Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp ngành bia. "Tôi ủng hộ việc hạn chế lái xe sau khi uống rượu bia, nhưng quy định cần được điều chỉnh phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Đồng thời, việc áp thuế cũng cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo doanh nghiệp hòa nhập", ông Việt nói và cũng cho rằng rằng ngành đồ uống sẽ thêm khó khăn, thất thu ngân sách nếu chính sách không được điều chỉnh hợp lý.
Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp ngành bia vượt qua khó khăn, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực và thực phẩm TP HCM cho rằng, ngành cần mở rộng mạng lưới kinh doanh và phát triển sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Bên cạnh đó, việc cập nhật công nghệ tiên tiến là yếu tố quan trọng để duy trì phát triển bền vững.
Thanh Hoa