Vì sao đóng cửa sau 7 năm hoạt động?
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao khi cửa hàng Starbucks Reserve (cà phê cao cấp) ở trung tâm quận 1, TPHCM vừa có thông báo đóng cửa sau 7 năm hoạt động.
Cụ thể, trên trang cá nhân Facebook của Starbucks Việt Nam đã đăng thông báo đóng cửa Starbucks Reserve Hàn Thuyên (quận 1, TPHCM) sau 7 năm hoạt động - cửa hàng Reserve (cửa hàng cà phê cao cấp) đầu tiên và duy nhất của Starbucks ở TPHCM khai trương năm 2017.
Một cửa hàng Starbucks cao cấp tại TPHCM thông báo đóng cửa sau 7 năm hoạt động. |
"Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố, chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo cửa hàng Starbucks Reserve Hàn Thuyên sẽ chính thức ngưng hoạt động từ ngày 26/8. Starbucks Reserve sẽ sớm trở lại ở một vị trí khác", thông báo của chuỗi cà phê đến từ Mỹ cho biết.
Chi nhánh lâu đời này từng được biết đến là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân TPHCM, bao gồm cả khách du lịch. Khi nghe thông tin dừng hoạt động, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối về vị trí lẫn không gian quán.
Điều đáng nói, trong khi cửa hàng vừa có thông báo đóng cửa, thì cùng lúc này, nhiều môi giới bất động sản đang đăng tin tìm người thuê nhà diện tích 210m2 tại địa chỉ 11-13 Hàn Thuyên này với giá 30.000 USD/tháng, tương đương hơn 750 triệu đồng.
Vị trí này đã được rao thuê trên một số nền tảng trực tuyến. Một bài đăng cho biết căn nhà này có 1 trệt 2 lầu, 8,4x25m.
"Đến ngày 26/8, Starbucks sẽ hết hạn hợp đồng thuê. Căn 11-13 Hàn Thuyên thời điểm 2017 có giá thuê dao động khoảng 18.000 USD/tháng ", một môi giới BĐS chia sẻ.
Một vài người dự đoán rằng có thể do mặt bằng cửa hàng này hiện tại tăng giá lên quá cao nên không còn phù hợp với các tiêu chí của cửa hàng nữa.
Trước đó, hồi tháng 6/2022, Starbucks cũng đóng cửa chi nhánh lâu năm nhất nằm trong khách sạn Lan Viên ở quận trung tâm TP Hà Nội.
Đầu tháng 10/2021, chuỗi cà phê này cũng thông báo đóng cửa chi nhánh tại khách sạn Rex (quận 1, TPHCM), cũng từng là địa điểm nổi bật, thu hút nhiều khách hàng nhờ địa thế trung tâm thành phố. Sau đó không lâu, thương hiệu này cũng đóng thêm cửa hàng Starbucks Press Club nằm tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ và nhu cầu tiêu dùng thận trọng của khách hàng
Có thể thấy, các chi nhánh của Starbucks đóng cửa đa phần đều nằm ở trung tâm các thành phố lớn, nơi có giá thuê mặt bằng rất cao. Hồi đầu năm 2022, lãnh đạo Starbucks Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. Dù vậy, doanh nghiệp định hướng đi theo sự phát triển của các khu dân cư. Đơn cử như những cửa hàng mới khai trương vừa qua đều đạt mức doanh thu tốt nhờ đặt tại những khu dân cư mới, chưa có nhiều dịch vụ xung quanh.
Tuy nhiên, mô hình chuỗi cà phê ở Việt Nam thực sự bùng nổ vào giai đoạn 2017 đến 2019 khi các chuỗi thương hiệu nội địa trỗi dậy và sự phát triển nhanh chóng.
Theo số liệu của Mibrand, một công ty nghiên cứu thị trường trong nước, công bố gần đây, cho thấy các biến động trên thị trường cà phê được quan tâm hơn khi cả nước đang có tới 500.000 quán cà phê lớn, nhỏ với doanh thu 1,46 tỉ USD.
Với dân số hơn 98 triệu người, nếu Việt Nam có nửa triệu quán cà phê thì trung bình cứ khoảng 196 người lại có một quán cà phê. Điều này cho thấy văn hóa cà phê rất phổ biến và nhu cầu tiêu thụ cà phê tại Việt Nam là rất cao. Cà phê không chỉ là một thức uống, mà còn là một phần của lối sống, là nơi giao lưu, làm việc, và thư giãn.
Đến cuối năm 2023, thị trường chuỗi cà phê được dẫn dắt bởi 5 thương hiệu Highlands Coffee, Trung Nguyên E-Coffee, The Coffee House, Phúc Long và Katinat, chiếm tương ứng khoảng 42,5% thị phần.
Tuy nhiên kể từ sau dịch đến nay, thị trường chứng kiến hàng loạt các chuỗi thương hiệu “hụt hơi”, mà gần đây là chuỗi The Coffee House khi hãng này đóng một loạt cửa hàng ở các tỉnh.
Quay trở lại câu chuyện kinh doanh của Starbucks, cho thấy thương hiệu cà phê này cũng không nằm ngoài cuộc khi liên tiếp gặp khó khăn với bài toán tăng trưởng.
Số liệu từ Công ty nghiên cứu IBISWorld, cho biết, năm 2023, Starbucks (Mã chứng khoán: SBUX) nắm giữ 26,5% thị trường cà phê và cửa hàng đồ ăn nhẹ tại Mỹ. Tuy nhiên, trong hai quý đầu năm 2024, gã khổng lồ ngành cà phê này đang chứng kiến sự sụt giảm cả về doanh thu và số lượng cửa hàng trên toàn thế giới.
Giám đốc điều hành của Starbucks, ông Laxman Narasimhan đã phát biểu rằng: “Chúng tôi tiếp tục phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ và nhu cầu tiêu dùng thận trọng của khách hàng. Việc mở rộng cửa hàng và cuộc chiến về giá cả thực sự rất khó khăn, đánh đổi bằng sự cạnh tranh và lợi nhuận, điều này cũng gây ra ảnh hưởng lớn cho hoạt động kinh doanh.”
Starbucks cho biết, doanh thu tại một cửa hàng ở Trung Quốc đã giảm 14% trong quý II/2024 (số liệu vào ngày 30/6/2024), nhiều hơn 7 lần so với mức giảm 2% ở thị trường Mỹ. Công ty hiện có 7.306 cửa hàng tại Trung Quốc với tổng doanh thu đạt 733,8 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Việt Nam, tính đến tháng 5-2024, chuỗi cà phê Mỹ đã có 108 cửa hàng sau 11 năm gia nhập thị trường Việt Nam.
Báo cáo kinh doanh quý I/2024 của thương hiệu cà phê này tại Việt Nam cho thấy kết quả không mấy lạc quan, khi doanh thu thuần giảm 2%, chỉ đạt 8,6 tỷ USD. Đặc biệt, doanh số bán hàng giảm tới 4%, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020 khi đại dịch buộc nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Không chỉ riêng các thương hiệu cà phê, mà cả các hãng đồ ăn nhanh như McDonald’s cũng đang chứng kiến sự suy giảm nhu cầu thị trường, khi người tiêu dùng ngày càng cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi đồng USD chi tiêu.
Về vấn đề cạnh tranh và "miếng bánh" thị phần, ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu GlobalData Retail, nhận định rằng khi bạn là người dẫn đầu thị trường, những đối thủ khác sẽ không ngừng tìm cách chiếm lấy thị phần của bạn. Hiện nay, sự cạnh tranh thậm chí còn khốc liệt hơn trước, buộc các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi và thay đổi, trong khi người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn.
Hồng Hương