Vào tháng 5, NYDC có “cuộc đấu tranh” trước nguy cơ đóng cửa khi một loạt 3 cửa hàng tại Nguyễn Trãi, Cantavil và Crescent ở TP.HCM bắt đầu ngừng hoạt động. Sau 6 tháng cố gắng, cửa hàng cuối cùng tại Metropolitan ở khu vực trung tâm thành phố cũng không trụ nỗi mà nói lời tạm biệt với khách hàng.
Theo Insider Retail, yếu tố có thể dẫn đến sự thất bại của NYDC VN là sự ra đời và phát triển của các chuỗi cà phê bản địa ở VN thời gian gần đây.
Dù mở sau nhưng các chuỗi cửa hàng cà phê này đã nhanh chóng chiếm thị phần ngày càng lớn nhờ ưu thế giá tốt và không gian thoải mái. Bên cạnh đó là sự xuất hiện các chuỗi cà phê thương hiệu quốc tế được đầu tư bài bản cũng khiến sự cạnh tranh các chuỗi cửa hàng cà phê ngày càng khốc liệt hơn.
Sean T Ngô - Giám đốc điều hành của VF Franchise nói rằng: “Mặc dù Việt Nam là một trong những thị trường nhượng quyền thương mại nóng nhất trong khu vực Đông Nam Á, sự ra đi của NYDC từ Việt Nam thể hiện rõ những thách thức mà nhiều công ty nước ngoài phải đối mặt khi bước vào một thị trường đang phát triển như Việt Nam.” NYDC có quá nhiều đối thủ cạnh tranh tại Việt Nam, như là chuỗi quán cà phê địa phương: Trung Nguyen, Kafe và Highlands,… và sự cạnh tranh gần đây nhất đó chính là sự xuất hiện của chuỗi thương hiệu quốc tế Starbucks.
Vào VN vào tháng 11-2009, trao đổi với báo giới lúc đó, ông chủ của Tập đoàn SUTL của Singapore mong muốn sẽ phát triển chuỗi nhà hàng cà phê NYDC thành một hệ thống phổ biến bằng một kế hoạch đầu tư mới sau khi đã điều hành thành công chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC tại VN.
Theo kế hoạch được công bố thời điểm đó, SUTL sẽ phát triển 20 cửa hàng cà phê NYDC trong vòng năm năm tới với số vốn đầu tư 250.000-300.000 USD/nhà hàng, tập trung khai thác mặt bằng trong các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, sau gần bảy năm hoạt động, NYDC đã chính thức thông báo đóng cửa hàng cuối cùng của mình tại TP.HCM vào ngày 20-7 vừa qua. Trong thời gian hoạt động tại VN, thời điểm NYDC có số lượng cửa hàng cao nhất là sáu điểm bán.
Sự kiện NDYC đóng cửa trong bối cảnh nhiều chuỗi cửa hàng ngoại khác vào VN theo con đường nhượng quyền cũng bắt đầu gặp khó khăn, phải giảm tốc, thậm chí đóng cửa, thu hẹp, cho thấy mảng nhượng quyền thức uống và thực phẩm tại thị trường VN đã qua thời kỳ phát triển rầm rộ.
Đã xuất hiện nhiều thách thức cho các nhà kinh doanh hoạt động lĩnh vực nhượng quyền và phải cân nhắc khi đưa những chuỗi cửa hàng mới vào VN.
Thành An