Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mới đây đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT về tình trạng heo nhập lậu vẫn phức tạp.
Nhập lậu heo gia tăng khiến người chăn nuôi gặp khó khăn. |
Theo Hiệp hội trên, tình trạng heo nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đồng thời gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước.
"Do đang vào thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng nên tình trạng heo nhập lậu tiếp tục tăng đột biến", Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết.
Cụ thể, trong các tuần từ ngày 1-15/1, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000-7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và biên giới Tây Nam.
Số lượng heo nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày. Với giá bán chỉ dao động trên dưới 50.000 đồng/kg heo hơi, lợi nhuận heo nhập lậu đang khiến chăn nuôi trong nước gặp vô vàn khó khăn, người chăn nuôi phải bán dưới giá thành sản xuất.
Ngoài ra, heo nhập lậu tràn vào nước ta còn gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, trong tương lai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng đàn, thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thời gian dài vừa qua, ngành chăn nuôi trong nước chịu rất nhiều áp lực từ dịch bệnh COVID-19 trên người, bệnh dịch tả heo châu Phi… Người chăn nuôi chịu lỗ do phải bán dưới giá thành sản xuất, nhiều trang trại hoặc hộ chăn nuôi phải giảm đàn hoặc treo chuồng.
Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát lực lượng thú y các địa phương, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép heo vào Việt Nam trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép heo qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn heo buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc kiểm soát heo nhập lậu là việc làm thường xuyên, cần phải tăng cường đặc biệt ở thời điểm cận Tết. Nếu không kiểm soát chặt, thịt nhập lậu sẽ đem theo mầm bệnh vào Việt Nam gây bùng phát dịch bệnh mới, ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh tới sản phẩm nội địa.
“Để ngăn chặn nhập lậu, Thủ tướng đã có yêu cầu tăng cường kiểm tra, siết chặt vấn đề này. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như công an, biên phòng, hải quan…”, ông Đăng nói.
Thy Lê