Theo các chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thời gian tới, Việt Nam cần phải có chiến lược thực hiện truy xuất nguồn gốc rau quả. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chắc chắn còn nhiều khó khăn.
“Đội lốt” rau quả Việt
Những ngày gần đây, các bà nội chợ liên tục phát sốt vì quả thanh trà. Song, tinh ý có thể thấy nếu thanh trà (miền Tây – Cần Thơ) quả vàng, tròn, ăn khá chua, muốn ăn nhiều phải pha làm nước giải khát, giá chỉ tầm 50.000 – 70.000 đồng/kg, nhưng quả thanh trà đang được bán trên các tuyến phố, vỉa hè hay chợ dân sinh lại được rao với mức giá ngất ngưởng 150.000 – 180.000 đồng/kg và đặc biệt là vị thơm ngon, ăn ngọt hơn.
Vì vậy, có không ít thắc mắc về nguồn gốc của loại thanh trà này, khi người thì rao bán là “thanh trà miền Tây”, người thì rao “thanh trà xịn nhập khẩu Thái Lan”.
Hay mới đây tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân, ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào, Tp.Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết sản lượng hàng năm của HTX gần 1.000 tấn, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng/năm.
Cái khó của HTX là sản phẩm đều là hàng chất lượng cao nhưng khi bán thì giá lại bằng các sản phẩm thông thường vì người tiêu dùng không phân biệt được cũng như do hàng Trung Quốc giả mạo rất nhiều.
Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về nguồn gốc của các loại rau quả đang bày bán trên thị trường hiện nay. Theo đó, nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc đang được “hô biến” thành hàng Việt, hàng Mỹ, châu Âu.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc công ty Vinamit, kiến nghị: để đảm bảo an toàn thực phẩm và để công bằng với hàng hóa Việt Nam cần yêu cầu có truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong đó, bao gồm tiêu chuẩn về quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói.
![]() |
Loạn nguồn gốc rau quả vì thiếu truy xuất |
Khó truy xuất?
Theo Ts. Võ Mai, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bình thường trong thương mại, nhưng sẽ có tác động tích cực tới chất lượng sản phẩm và sự minh bạch của thị trường. Việt Nam cần sớm áp dụng các quy định này với rau quả nhập khẩu.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 3/2018, giá trị nhập khẩu rau quả đạt 92 triệu USD, lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 340 triệu USD (tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất vẫn là Thái Lan (chiếm 45% thị phần), Trung Quốc (chiếm 20%).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: Lâm Đồng hiện là địa phương áp dụng công nghệ lớn, năng suất cao nhưng người sản xuất nông sản an toàn chưa được hưởng đúng thành quả của mình. Chúng ta cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, yêu cầu sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN, địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trên thực tế, truy xuất nguồn gốc không hề dễ dàng. Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit), cho biết rau quả Trung Quốc hiện nay vẫn chủ yếu nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, không ai quản lý hoặc bằng chiêu núp bóng trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand.
Hiện nay, lượng rau quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, khi phân phối ra chợ lẻ và đến tay người tiêu dùng quản lý lỏng lẻo, không kiểm soát được. Do vậy, phải có quy định yêu cầu các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh của Việt Nam dán nhãn nguồn gốc, xuất xứ rau quả khi bán ra thị trường nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho rằng tại Việt Nam, các khâu kỹ thuật trong kiểm soát về chất lượng hoa quả bao gồm từ khâu trồng, chăm sóc cho tới khâu thu hoạch, bảo quản vẫn chưa được hoàn thiện. Đây là một trong những lý do chính giải thích vì sao Việt Nam chưa thể yêu cầu truy xuất được nguồn gốc hoa quả từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam.
Thy Lê