Theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến giữa năm 2018, Việt Nam có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép và đang hoạt động. Có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số và chủ yếu tập trung sử dụng các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Zalo…
Thêm tân binh gia nhập
Thống kê cho thấy đến hết năm 2018, Facebook có 58 triệu người dùng tại Việt Nam, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trước sức hấp dẫn từ thị trường này, ngày 23/7, CTCP công nghệ Gapo đã ra mắt mạng xã hội Gapo với số tiền đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital.
Ông Hà Trung Kiên, Tổng Giám đốc, đồng sáng lập Gapo, cho hay điểm đặc biệt của mạng xã hội này là tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng. Những tính năng cơ bản khác của Gapo tương tự như các mạng xã hội khác cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến. Ngoài ra, mạng xã hội này cũng cho phép định danh tài khoản để tránh tài khoản giả mạo.
Mục tiêu đặt ra của mạng xã hội này là đạt 50 triệu người dùng vào tháng 12/2021 và Gapo sẽ tập trung vào việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, tạo sự khác biệt so với các đối thủ khác.
Liệu kỳ vọng của Gapo có khả thi khi ngay sau buổi lễ ra mắt, mạng xã hội này đã gặp phải một số vấn đề liên quan đến ổn định truy cập? Theo phản ánh của người dùng, tính năng đăng ký vẫn gặp phải tình trạng lỗi, luôn yêu cầu người dùng nhập lại thông tin cá nhân của mình.
Đồng thời, nội dung chính trên mạng xã hội này cũng gặp tình trạng không ổn định, lúc hiển thị nội dung, lúc không. Hơn nữa, người dùng cũng cho biết vẫn chưa cảm nhận được sự vượt trội của mạng xã hội mới này so với Facebook.
Chưa kể, hiện nay, mạng xã hội Gapo mới chỉ có ứng dụng dành cho điện thoại di động và không có phiên bản web. Điều này sẽ bất lợi hơn so với các mạng xã hội lớn khác như Facebook, Twitter.
Mạng xã hội Gapo vừa ra mắt người dùng Việt Nam |
Phải có sự khác biệt
Liệu rằng Gapo sẽ vượt qua được thất bại từ những người đi trước để giành được thị phần từ các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Twitter…? Nhìn lại thời gian qua, nhiều mạng xã hội của Việt Nam như Zing Me, Cyword.vn, Tamtay.vn hay Go.vn… cũng từng ra mắt rất rầm rộ rồi “chết yểu”.
Còn nhớ Zing Me của công ty cổ phần VNG là mạng xã hội Việt đầu tiên tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook tại thị trường trong nước. Có những thời điểm, Zing Me đã vượt qua Facebook về lượng người sử dụng. Tuy nhiên, từ năm 2013, Facebook đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt tại thị trường Việt Nam, trong khi Zing Me lại đi xuống liên tục. VNG cũng thừa nhận thất bại trong cuộc cạnh tranh với người khổng lồ này và đã chuyển sang tập trung vào cuộc chiến ứng dụng OTT trên di động với sản phẩm Zalo.
Cái kết như vậy cũng đến với mạng xã hội Việt Nam Go.vn (VTC). Khi mới ra mắt, mạng xã hội này được kỳ vọng là mạng hàng đầu của Việt Nam về giáo dục, giải trí, giao tiếp trực tuyến. Tuy nhiên, sau đó, Go.vn cũng không thể chiến thắng được người khổng lồ Facebook. Nguyên nhân là do Go.vn không có những sáng tạo mới để thu hút người dùng trong nước tham gia. Kết cục này cũng xảy ra với mạng xã hội Banbe.net, Tamtay.vn…
Theo một chuyên gia trong ngành, nguyên nhân khiến các mạng xã hội trong nước chưa vượt qua được sức ép quá lớn từ người khổng lồ Facebook là do các mạng xã hội trong nước chỉ toàn bắt chước theo mô hình các mạng xã hội quốc tế, không có sự sáng tạo, cho nên thất bại chính nằm ở ngay sản phẩm.
Trước sự bùng nổ của người dùng mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay từ giờ đến cuối năm sẽ có thêm sự xuất hiện nhiều mạng xã hội mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các mạng xã hội mới nên để cho người chơi tự quyết định luật chơi của mình. Khi xây dựng mạng xã hội mới, quan trọng nhất với người đứng đầu là vấn đề tư tưởng. Các mạng xã hội mới sẽ không thể thành công khi bắt chước Facebook.
“Nếu tồn tại một mạng xã hội tạo ra sự khác biệt hoặc đi ngược hướng Facebook, với tư duy chia sẻ doanh thu, cùng thiết lập cuộc chơi, tôn trọng luật pháp nước sở tại, bên cạnh đó mang được yếu tố bản địa hóa, mạng xã hội này sẽ thay đổi thế giới, làm cho xã hội văn minh hơn”, ông Hùng nhận định.
Thy Lê