Theo báo cáo của các doanh nghiệp, nhập khẩu thịt lợn hiện nay có một số khó khăn. Đầu tiên là bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới. Các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó tối thiểu từ 3-5 tháng. Trong khi đó, thời gian vừa qua là kỳ nghỉ Noel và Tết dương lịch của các nước xuất khẩu, nên các nhà máy giết mổ gia súc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường đóng cửa.
Từ tháng 11/2019 đến ngày 31/1/2020 nhập khẩu 17.421 tấn thịt lợn và sản phẩm từ lợn (Ảnh: Internet) |
Ngoài ra, việc nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ về còn có những khó khăn bởi có giá cao hơn so với một số nước như Brazil, Ba Lan, Australia. Cùng với đó, thời gian và chi phí vận chuyển sản phẩm từ Mỹ về Việt Nam cũng lâu hơn và cao hơn… Doanh nghiệp nhập khẩu cần có số vốn lớn vì để nhập 200 - 300 tấn/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỷ đồng cho mỗi lần mua.
Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra cũng đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn.
Hiện nay, thực hiện các điều khoản quy định tại các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và các nước đã ký kết, cũng như các quy định của luật pháp quốc tế và của Việt Nam, năm 2019 có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; trong đó có 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018). Việc nhập khẩu thịt động vật và thịt lợn là rất thông thoáng, theo đúng quy định của Việt Nam, của các nước và thông lệ quốc tế.
Tổng sản lượng các loại thịt nhập khẩu trong năm 2019 tăng 17% và thịt lợn tăng 63% so với năm 2018. Hiện nay, Việt Nam không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng, cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu.
Theo báo cáo của các Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu năm 2019 trên 280.400 tấn, tăng khoảng 17% so với năm 2018; tháng 1/2020 trên 10.100 tấn.
Năm 2019, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu chủ yếu nhập khẩu từ các nước: Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Mỹ. Tháng 1/2020, nhập khẩu hơn 4.500 tấn, sản lượng nhập có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019 và chủ yếu từ Đức, Ba Lan, Canada, Mỹ.
Theo Bộ NN&PTNT, tính từ tháng 11/2019 (khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn) đến ngày 31/1/2020 đã nhập khẩu được 17.421 tấn thịt lợn và sản phẩm từ lợn.
Để hỗ trợ thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp với các doanh nghiệp để bàn giải pháp thúc đẩy nhập khẩu; chỉ đạo các cơ quan thú y tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động làm việc, trao đổi với hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Đ.N