Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2019 ước đạt 710 triệu USD, tăng 10,6% so với năm 2018. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm 2019 nên hiện nay, nguồn cung thịt lợn ra thị trường trong thời gian qua giảm mạnh, khiến giá thịt lợn tăng cao. Do vậy, lượng thịt nhập khẩu đã tăng mạnh trong năm 2019 để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước.
Nhập khẩu thịt lợn tăng gấp đôi
Trong năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của cả nước đạt hơn 121 nghìn tấn với kim ngạch 136 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần về lượng và tăng 97% về kim ngạch so với năm 2018. Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương… từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Mỹ, Hà Lan… Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico..., mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.
Năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của cả nước đạt hơn 121 nghìn tấn với kim ngạch 136 triệu USD (Ảnh: Internet) |
Trong năm 2019, cả nước nhập khẩu 287 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch gần 250 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với năm 2018. Việt Nam nhập khẩu thịt gà các loại từ các nước tiên tiến, có chất lượng cao như Mỹ, bình quân chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; Brazil: 13,1%, Hàn Quốc: 12,3%... Thịt gà nhập khẩu tập trung vào 2 loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt (mã số HS 020712 và mã số HS 020714), chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà; trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).
Theo cam kết với WTO và trong các FTA song phương và đa phương, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ việc hạn chế định lượng và giấy phép nhập khẩu hàng hóa nông sản, trong đó có thịt lợn, chỉ thực hiện quản lý nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật (kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm). Căn cứ quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, các mặt hàng thịt không thuộc danh mục nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương nữa. Việc quản lý nhập khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn nói chung và thịt gà nói riêng hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT, thực hiện theo các yêu cầu: Chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam; Tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y, tiêu chuẩn và mức giới hạn cho phép đối với vi sinh vật có hại, tồn dư hóa chất độc hại đối với thịt nhập khẩu được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Theo đó, các lô hàng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu phải thực hiện lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, không cho phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu và được thông quan, các doanh nghiệp nhập khẩu mới được đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2019, Bộ này đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước với tổng số 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam và đang có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước, các doanh nghiệp đã được Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Đưa giá thịt lợn về mức trước khi có dịch
Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, trong đó yêu cầu kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý.
Theo Thông báo, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, mặt bằng giá cả thị trường được bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá và biến động giá bất thường. Tuy nhiên, tình hình mặt bằng giá ngay từ đầu năm đã có những diễn biến mới, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 tăng ở mức 1,23% (là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây). Nguyên nhân đặc biệt là do những tác động từ nhóm mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, giao thông và giá thịt lợn, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 8,29% so với tháng 12/2019 và vẫn đứng ở mức rất cao...
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: Bộ NN&PTNT có nhiệm vụ chủ trì báo cáo đầy đủ về tình hình đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho quý I/2020, 6 tháng đầu năm và cả năm 2020, kế hoạch và khả năng tái đàn, tình hình nhập khẩu thịt lơn, tình hình thiệt hại và hỗ trợ kinh phí do dịch tả lợn châu Phi đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá trước ngày 6/2/2020. Đồng thời, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp thực hiện chủ trương nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thịt lợn thành phẩm trong quý I/2020 để góp phần ổn định nguồn cung ngay trong những tháng sau Tết.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại, nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá, thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá kết quả thực hiện trong quý I/2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế các cấp trong quý I/2020 thực hiện kiểm tra quyết toán thuế theo quy định của pháp luật để làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt lợn thuộc mọi thành phần kinh tế có thị phần lớn, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Chu Khôi