Chuyên gia cho rằng chỉ khi nào thị trường hàng không không còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thì Nhà nước mới để thị trường điều tiết giá vé máy bay (Ảnh: Int) |
Đề xuất mới đây của Cục Hàng không Việt Nam đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều cả trong người dân cũng như giới chuyên gia. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc bỏ giá trần cần tuân thủ theo Luật Cạnh tranh.
Lo ngại giá vé tăng cao
Theo khảo sát của một tờ báo điện tử uy tín, từ ngày 14/5 - 17/5/2021, 43% trong số gần 1.900 độc giả cho rằng không nên bỏ trần giá vé máy bay và 16% đánh giá đây không phải thời điểm phù hợp để làm việc này.
Một trong những lo ngại lớn nhất của khách hàng là vé máy bay có thể đắt hơn vào những dịp cao điểm như hè, ngày lễ, Tết nếu không còn khung giá tối đa - công cụ để bảo vệ người tiêu dùng.
Đơn cử như vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020 trước thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều chặng bay nội địa đã có mức giá cao “ngất ngưởng” lên tới 8 triệu đồng/cặp vé Hà Nội - TP. HCM, Hà Nội - Côn Đảo và ngược lại. Đối với chặng bay Hà Nội - TP. HCM hay các chặng bay khác như Cần Thơ, Nha Trang ra các tỉnh phía Bắc vào dịp Tết, giá tăng cao là một điều rất khó khăn cho những người lao động xa nhà.
Một công ty du lịch kiêm đại lý vé máy bay nhìn nhận, việc Cục Hàng không đề xuất bỏ giá trần, giá vé máy bay phổ thông dịp Tết mua sát ngày các chặng Hà Nội - TP. HCM, Hà Nội - Cần Thơ, Hà Nội - Phú Quốc… có thể tăng lên hơn chục triệu đồng cặp vé khứ hồi.
Bởi lẽ, khi chưa có giá trần, giá vé khứ hồi các chặng này dịp Tết đã khan hiếm và giá tăng cao thì nay đây là cơ hội để các hãng hàng không tăng giá bù cho những mùa thấp điểm. Hơn nữa, vào hè - dịp nhiều gia đình đi du lịch thì giá vé không còn 5 triệu đồng/cặp khứ hồi đối với các chặng bay 2 giờ mà phải gần chục triệu đồng/cặp.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM, ông ủng hộ đề xuất bỏ trần giá vé máy bay. Bởi như vậy sẽ có hãng đưa giá cao, thì cũng có hãng sẵn sàng đưa giá thấp hơn để lôi kéo khách. Hiện tại, nhiều khách hàng cũng sẵn sàng chọn hãng giá cao hơn với chất lượng phục vụ tốt hơn.
Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, thị trường hàng không Việt Nam ngày càng có nhiều các hãng bay, thị trường vận chuyển nội địa đã có tính cạnh tranh rất cao về giá vé, các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá (khoảng 10-15 mức giá), tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau.
“Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ”, lãnh đạo Cục Hàng không nói.
Cần tuân thủ Luật Cạnh tranh
Bình luận về việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ giá trần trên đường bay nội địa có từ 3 hãng cùng khai thác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ, hiện nay Nhà nước có 2 phương thức quản lý giá, đó là Nhà nước định giá và để cho thị trường định giá.
Nếu là thị trường cạnh tranh thực sự đầy đủ, Nhà nước sẽ để cho thị trường định giá. Nếu còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thì Nhà nước định giá trần để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.
Thực tế, Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên; hai doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba doanh nghiệp chiếm tổng thị phần là từ 65% trở lên; hoặc bốn doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên…
Đơn cử như lĩnh vực xăng dầu, sở dĩ Nhà nước vẫn phải định giá xăng dầu là do mặc dù có 38 doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp, nhưng Petrolimex chiếm thị phần 47%, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) chiếm 23%.
Đối với hàng không, chỉ riêng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã chiếm hơn 50% thị phần vận tải nội địa và hơn 25% vận tải quốc tế.
Ông Long lo ngại, khi những doanh nghiệp có vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường được tự định giá thì sẽ tự tăng giá, các doanh nghiệp khác cũng sẽ tăng theo và người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
“Cho nên với thị trường hàng không, theo các quy định hiện hành, Nhà nước vẫn phải quản lý và định giá trần để ngăn doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá, bảo vệ người tiêu dùng”, ông Long khẳng định.
Từ Luật Cạnh tranh có thể thấy, không thể căn cứ số lượng doanh nghiệp hoạt động trên thị trường mà phải căn cứ vào tính chất độc quyền hay thống lĩnh mà Nhà nước điều tiết giá hay để thị trường điều tiết.
“Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bỏ trần vé máy bay với đường bay nội địa có từ 3 hãng cùng khai thác trở lên là không phù hợp với Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh", ông Long nhấn mạnh.
Trước đó, một số chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét điều chỉnh giá trần để phù hợp với đầu vào. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) cần ngồi lại để cân nhắc. Trong bối cảnh hiện nay có thể điều chỉnh tăng là hợp lý nhưng cần phải xem xét hết sức thận trọng để vừa bảo đảm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vừa bảo vệ được người tiêu dùng.
Hải Sơn