Để bảo đảm ATTP, Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiến nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, UBND cấp quận, huyện và xã, phường liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) có sự phối kết hợp chặt chẽ trong thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo giữa các đơn vị; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm về ATTP để tạo sức răn đe.
Tăng cường công tác thẩm định
Hà Nội hiện có 83.712 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong năm 2021, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, TP Hà Nội đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP, gồm các đoàn liên ngành và chuyên ngành. Công tác thanh tra, kiểm tra được tập trung có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, các khâu chế biến có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm được TP Hà Nội chú trọng đã đạt được những tác động tích cực (Ảnh: Int) |
Cụ thể, trong năm 2021, các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 48.000 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm gần 7.000 cơ sở với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cũng đã tốt hơn trước...
Từ đầu năm 2022 đến nay, thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thẩm định, xếp loại 249 lượt cơ sở. Trong đó, 222 cơ sở xếp loại B, 10 cơ sở không đánh giá do sai địa chỉ kinh doanh, 17 cơ sở xếp loại C; 27 cơ sở được nâng hạng từ C lên B.
Theo đó, cơ quan chức năng ngành nông nghiệp Hà Nội đã cấp 242 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (trong đó có 20 giấy chứng nhận cấp lại), đạt gần 89,2% tổng số cơ sở được TP đánh giá, phân loại.
Đồng thời, công tác thẩm định định kỳ cũng được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức thẩm định 121 lượt cơ sở, trong đó 112 cơ sở xếp loại B, 2 cơ sở xếp loại C. Trong đó, có 7 cơ sở bị yêu cầu dừng hoạt động do không bảo đảm các điều kiện kinh doanh an toàn.
Đáng chú ý, công tác giám sát ATTP đối với nông sản được thực hiện chặt chẽ. Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 1.226 mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng. Đối với 844 mẫu đã có kết quả, cơ quan chức năng xác định 803 mẫu đạt (chiếm 95,1%); 41 mẫu vi phạm các quy định về ATTP (chiếm 4,9 %).
Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Hà Nội, công tác lấy mẫu, giám sát được tập trung vào các nhóm sản phẩm, những công đoạn có nguy cơ cao về ATTP. Với những mẫu vi phạm, đơn vị đã cảnh báo nguy cơ, yêu cầu chủ thể sản xuất, kinh doanh khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân để kịp thời chấn chỉnh.
Trong những tháng cuối năm 2022, nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô tăng cao, đặc biệt những dịp lễ Tết, vì vậy vấn đề ATTP càng trở nên “nóng” hơn. Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của quận, huyện, thị xã, nhất là tại các quận, huyện có kết quả triển khai đạt thấp; quận, huyện có các xã, phường chưa triển khai Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.
Sở NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định; công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát. Mặt khác, các địa phương cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại có điều kiện sản xuất an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu giám sát hậu kiểm tự công bố về chất lượng ATTP tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm ATTP trên thị trường.
Đẩy mạnh công tác hậu kiểm
Bên cạnh việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra ATTP, công tác tăng cường hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm cũng được các cơ quan chức năng Hà Nội xác định là giải pháp quan trọng để chấn chỉnh vi phạm trong lĩnh vực ATTP.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật ATTP, TP Hà Nội đang chuyển dần sang tiếp nhận bản tự công bố và hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiếp nhận 1.819 bộ hồ sơ tự công bố thực phẩm chế biến nông sản, và đăng tải lên website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn thuộc ngành nông nghiệp quản lý. Đồng thời, tổ chức hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm đối với hàng chục cơ sở.
Trong số 21 mẫu sản phẩm tự công bố để kiểm tra ATTP, cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện 3 mẫu sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Các đoàn kiểm tra đã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép đối với 1 cơ sở, với tổng số tiền 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các sở, ngành cần hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho cán bộ chuyên trách, cán bộ đầu mối phụ trách ATTP cấp quận, phường; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quét mã vạch trong công tác xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đồng thời, ban hành chỉ tiêu chất lượng cho từng đối tượng hay nhóm ngành hàng để có căn cứ yêu cầu cơ sở sản xuất thực hiện xét nghiệm trước khi làm thủ tục tự công bố sản phẩm theo quy định.
Theo Chi cục ATTP Hà Nội, để công tác quản lý ATTP được hiệu quả trong thời gian tới, 3 ngành y tế, NN&PTNT, công thương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, có kế hoạch kiểm tra chuyên đề riêng của mỗi ngành trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng như hậu kiểm với những nội dung được giao.
Trong đó, ngành NN&PTNT cần kiểm tra riêng những vấn đề từ trang trại đến khâu nuôi trồng, ngành quản lý thị trường kiểm soát từ trang trại đến khâu lưu thông sản phẩm, và khi đến bàn ăn thuộc lĩnh vực của ngành y tế. Với các địa phương phải tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể tại địa phương, nếu phát hiện những sai phạm thì phải xử phạt nghiêm các cơ sở đó.
Phương Linh