Các chuyên gia dự báo, khó khăn trong hoạt động xuất khẩu còn kéo dài do xung đột chính trị tại nhiều khu vực, giá xăng dầu chưa ổn định, lạm phát tại nhiều nước dự báo còn kéo dài, đặc biệt là Mỹ, châu Âu. Do đó, doanh nghiệp cần sớm có giải pháp để phục hồi và phát triển bền vững.
Người dân các nước tăng cường tiết kiệm
Nói về thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam không thể không nhắc đến Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, lạm phát, chiến sự Ukraine ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp bị giảm.
Số lượng doanh nghiệp dệt may bị thiếu hụt đơn hàng đang có xu hướng gia tăng. |
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, lo lắng việc đồng Euro giảm giá so với Đôla Mỹ đã làm người tiêu dùng châu Âu càng thắt chặt chi tiêu hơn, nếu tình trạng này còn kéo dài thì nhu cầu nhập hàng yếu đi sẽ gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam. Đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu của Việt Thắng Jeans giảm gần 20%.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, khoảng 70% các doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu, khi lạm phát xảy ra, chúng ta thấy không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, lạm phát ở các nước châu Âu và Mỹ diễn ra, dần dần họ bắt đầu mua bán chậm hơn, ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam nhiều hơn đặc biệt là khối xuất khẩu. “Điều đó sẽ ảnh hưởng rất mạnh trong nửa cuối năm 2022”, ông Thông dự báo.
Nhận định về tình hình chung, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng cho rằng, không chỉ hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu gặp khó khăn, ngay cả các doanh nghiệp châu Âu cũng gặp 1 số khó khăn cơ bản như cuộc chiến tại Ukraine, lạm phát gia tăng, chính sách zero Covid tại Trung Quốc… Điều này thể hiện trong chỉ số BCI (chỉ số môi trường kinh doanh) do Eurocham tiến hành thực hiện cho thấy, quý II/2022 đã có sự giảm nhẹ so với quý I, phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp châu Âu đang gặp phải.
Trước bài toán khó thị trường xuất khẩu giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao, các doanh nghiệp xác định không thể thụ động dựa dẫm vào các đối tác nước ngoài hoặc chờ đợi lạm phát đi xuống. Tại Diễn đàn: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững, được tổ chức chiều ngày 19/8, các chuyên gia cho rằng, đối diện với khó khăn buộc các doanh nghiệp phải phát huy sức mạnh nội tại, thay đổi các chiến lược, cũng như thị trường kinh doanh sao cho phù hợp.
Tìm giải pháp thích ứng
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng - Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cho biết trong 2 năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan nhờ tận dụng lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.
“Với tiềm năng lớn, lợi thế về sự đa dạng và chất lượng sản phẩm, không có lý gì, hàng hóa Việt Nam không đến được với nhiều gian hàng hơn tại các siêu thị, lên nhiều bàn ăn hơn của người dân trên khắp thế giới”, chuyên gia cho hay.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số của Phúc Sinh đã tăng 50% so với 2021, chia sẻ từ hoạt động thực tế của doanh nghiệp, ông Thông cho hay, các khách hàng châu Âu rất quan tâm đến phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đã không quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, trồng trọt ở đâu,... Các doanh nghiệp làm nội địa tại Việt Nam dù lớn, nhưng không gắn chặt với các vùng sản xuất, chế biến, cái họ đi xa nhất là xây dựng các nhà máy hiện đại, nhưng lại không gắn liền với nông dân.
“Đây là một trong những yêu cầu cực kỳ bức thiết, muốn phát triển nông nghiệp và bán hàng hóa vào châu Âu thì phải phát triển bền vững, phát triển các vùng trồng, con người, phát triển theo chuỗi và kiểm soát theo chuỗi. Đây là những thông điệp để các nhà sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hãy quan tâm đến truy xuất nguồn gốc và quan tâm đến người nông dân hơn nữa”, ông Thông nhấn mạnh.
Để tăng sự cạnh tranh, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng doanh nghiệp phải quan tâm đến phát triển chiều sâu. Có một bài toán hiện nay là các công ty phải đầu tư vào trong ngành chế biến, bởi vì nếu không đầu tư chế biến, thì việc cạnh tranh càng trở nên khó khăn.
Chú trọng đến thị trường trong nước cũng là một giải pháp được nhà sử học Dương Trung Quốc cũng lưu ý, bởi thị trường Việt Nam là thị trường vô cùng to lớn và cần tập trung để phát triển bền vững.
“Chúng ta chỉ nói về xuất khẩu như là một chuẩn mực phát triển, nhưng chúng ta đâu hưởng lợi được bao nhiêu. Trong khi thị trường nội địa có tới 100 triệu dân. Do đó, cần phải chuyển sang hướng hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, trong khi hiện nay cái tốt nhất mang đi xuất khẩu. Tại Nhật Bản, những gì tốt nhất là tiêu thụ trong nước, chỉ bỏ qua những khâu đóng gói rườm rà. Còn chúng ta gần như bỏ ngỏ, coi thị trường trong nước là thị trường phụ”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Bên cạnh những giải pháp trên, nhiều ý kiến còn cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp cần đi từ hành vi của người tiêu dùng, bởi sau đại dịch COVID-19 xảy ra, người dùng đã chuyển từ offline qua online. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với các doanh nghiệp, nhất là khi người tiêu dùng có những thay đổi lớn về hành vi và họ sẽ rất quan tâm về giá của sản phẩm.
Thanh Hoa