Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,36 tỉ USD, tăng 16,1% (tương ứng tăng 29,93 tỷ USD) với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Đặc biệt, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 58,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm điện máy, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; giày dép; dệt, may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Trong đó, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 33,7 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,7 tỉ USD, tăng 14,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24,9 tỉ USD, tăng 24,1%; hàng dệt may đạt 22,1 tỉ USD, tăng 19,8%; giày dép đạt 14,1 tỉ USD, tăng 19,6%.
Hết tháng 7, cả nước có 7 tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỉ USD trở lên |
Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước ngày càng khẳng định vai trò đóng góp của mình khi có giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 7 tháng đạt 56,99 tỉ USD, tăng 17%, cao hơn mức tăng 15,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô), chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là kết quả tích cực dù dịch bệnh bùng phát kéo dài là một trong những yếu tố quan trọng gây đứt gãy chuỗi cung ứng cũng khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, kết quả này có sự đóng góp quan trọng từ nỗ lực của các địa phương.
Bộ Công Thương dự báo, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 700 tỷ USD, xuất khẩu sẽ cán đích gần 400 tỷ USD và Việt Nam tiếp tục đứng trong top 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 7, cả nước có 7 tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỉ USD trở lên. So với cùng kỳ 2021, số địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỉ USD trở lên tăng 1 địa phương.
Địa phương vừa đạt được quy mô kim ngạch này là tỉnh Bắc Giang với kim ngạch đạt 11,5 tỉ USD, tăng tới 60% (tương đương hơn 4,4 tỉ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, những tháng đầu năm ngoái, Bắc Giang là điểm nóng về dịch Covid-19 của cả nước nên hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động lớn. Những tháng đầu năm nay khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn có sự phục hồi đáng ghi nhận. Theo Cục Thống kê Bắc Giang, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của địa phương này tăng trưởng tới 53,36%.
Trong 6 địa phương còn lại, TPHCM tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với 28,66 tỷ USD, tăng 7,54%.
Tiếp theo là, Bắc Ninh với 25 tỉ USD, tăng 11,87%; Bình Dương 21,1 tỉ USD, tăng 3,5%; Thái Nguyên đạt 19,37 tỉ USD, tăng 23,53%; Đồng Nai xấp xỉ 15 tỉ USD, tăng 9,77%; Hải Phòng đạt 13,4 tỉ USD, tăng 7%.
Với 134,03 tỉ USD, riêng 7 địa phương chủ lực chiếm tới 61,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Giới chuyên gia nhận định, trong những tháng cuối năm các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng sẽ khó đạt kỳ vọng.
Báo cáo “Vietnam at a glance - Quay về sách lược cũ” của HSBC công bố ngày 17/8 cho thấy, sau mức tăng trưởng ấn tượng 17% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu nửa sau năm 2022 với đà tăng thấp hơn so với kỳ vọng.
Nguyên nhân chính là do lĩnh vực điện tử tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là mặt hàng điện thoại. Cụ thể, kết quả quý II/2022 của Samsung cho thấy nhu cầu đối với hàng điện tử tiêu dùng đang suy yếu, ảnh hưởng đến mảng điện thoại thông minh, tivi và các sản phẩm khác.
Tuy nhiên, dệt may và da giày lại tăng trưởng mạnh, đạt 30% so với cùng kỳ năm 2020, một phần do hiệu ứng cơ sở thuận lợi. Do TP.HCM và các khu vực lân cận phải trải qua giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt trong quý III/2021, hiệu ứng cơ sở có thể sẽ kéo dài qua hết quý III/2022. Dù vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã dự báo tình hình đơn hàng sắp tới sẽ sụt giảm, làm dấy lên câu hỏi về khả năng trụ vững của các mặt hàng này còn duy trì được bao lâu.
Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mong muốn Bộ Công Thương cần tăng cường kết nối thông tin giữa doanh nghiệp với các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài thông qua các cuộc giao ban thương vụ định kỳ hàng tháng, từ đó có những chính sách hỗ trợ cần thiết, tư vấn thông tin, kết nối, giới thiệu hiệu quả hơn cho doanh nghiệp, nhất là với những đơn hàng đòi hỏi cao hơn về các tiêu chuẩn chất lượng tại những thị trường khó tính.
Dự báo trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may sẽ gặp khó khăn về đầu ra, đơn hàng bị hạn chế, nên hoạt động tìm kiếm thị trường mới là rất cần thiết. Từ thực tế này, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho rằng, các doanh nghiệp không thể thiếu các thông tin về thị trường mới, tiềm năng và những thách thức của mỗi thị trường.
“Thông tin từ các thương vụ sẽ giúp các DN định hình được thời điểm này thị trường nào đang tốt, ngành hàng nào dễ tiếp cận khai thác…, để hoạch định kinh doanh hiệu quả hơn”, ông Việt lưu ý.
Thanh Hoa