Có thể lấy trường hợp công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) là ví dụ điển hình về một “ông lớn” doanh nghiệp (DN) nội đang đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất ô tô và gần đây là lĩnh vực bất động sản.
Quá trình phát triển lớn mạnh của DN này cũng chính là sự thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến khu vực kinh tế tư nhân sau 43 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Doanh thu hợp nhất của Thaco trong năm 2017 (bao gồm cả công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh) mang đến nhiều tín hiệu tích cực khi đạt con số 55.268 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.898 tỷ đồng, tổng nộp cho ngân sách là 14.972 tỷ đồng.
Nâng tầm cạnh tranh
Trong Đại hội cổ đông của Thaco tổ chức ở Tp.HCM mới đây, Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương có một số phát biểu đáng chú ý khi nói về tầm nhìn chiến lược của DN này. Đó là Thaco đã xây dựng chiến lược phát triển sau năm 2018, với tầm nhìn: “Trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành”, trong đó ô tô là chủ lực, thực hiện sứ mệnh “Mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội và có đóng góp thiết thực vào nền kinh tế đất nước”.
Đồng thời, Thaco sẽ phát triển các ngành nghề để bổ trợ cho ngành ô tô là: Đầu tư xây dựng hạ tầng - đô thị - khu công nghiệp; thương mại - dịch vụ & du lịch; logistics tại Chu Lai và lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng theo ông Dương, chiến lược phát triển đa ngành của Thaco dựa trên quan điểm liên doanh liên kết hợp tác cùng phát triển không cạnh tranh lẫn nhau và tạo ra hệ sinh thái “doanh nhân – doanh nghiệp” Việt Nam trong đó có khởi nghiệp nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.
Để thực hiện chiến lược như trên, DN này được cấu trúc theo mô hình tập đoàn bao gồm các khối/tổng công ty thành viên theo các ngành nghề sản xuất kinh doanh xuyên suốt chuỗi giá trị.
Câu chuyện xu hướng phát triển đa ngành của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân ở trong nước đã được nhắc đến trong thời gian qua với những mặt được và chưa được. Tuy nhiên, với tâm huyết của những DN lớn đầu tư công nghiệp đa ngành nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế biến ở Việt Nam là điều đáng hoan nghênh nếu như mang hiệu quả thực sự cho bản thân chính DN đó và góp sức vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngoài Thaco, có thể kể đến một số tên tuổi điển hình là các DN tư nhân lớn ở trong nước đang có những hướng đi đầu tư đa ngành bên cạnh lĩnh vực cốt lõi như Masan Group, Hòa Phát, Thế giới Di động, Vingroup, Thành Thành Công…
Trên thực tế, đã có những DN đạt được nhiều bước tiến ngoạn mục nhờ chiến lược kinh doanh đa ngành dựa trên năng lực cốt lõi của họ. Gần đây, có nhiều tập đoàn tư nhân lớn nội địa ngoài lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, tài chính, còn có xu hướng đầu tư vào nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, PAN Group, Vingroup, FPT, Hòa Phát, Kinh Đô, Masan…
Máy kéo của Thaco vừa xuất xưởng và trên đồng ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp |
Cần quản trị tốt
Ngay như một DN nội lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ô tô như Thaco, nay cũng bước chân vào đầu tư cho nông nghiệp. Tháng 2/2018, Thaco đã khánh thành Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp Thaco với vốn đầu tư 500 tỷ đồng, chuyên sản xuất các loại máy kéo nông nghiệp có công suất từ 18 - 120HP, máy gặt đập và các thiết bị canh tác khác.
Sự xuất hiện của nhà máy hiện đại này được cho là sẽ là đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà, cũng như đánh dấu bước chuyển mình của Thaco khi quyết tâm đầu tư và mong muốn tham gia cải thiện một ngành kinh tế chủ đạo của đất nước.
Như nhận định của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, bản chất tư duy đầu tư đa ngành rất tích cực trên nguyên lý chuỗi giá trị từ đầu nguồn đến cuối nguồn và liên kết giá trị theo chiều ngang.
Như LG của Hàn Quốc đầu tư từ hóa chất, điện tử, sợi dệt, giao thông cho đến hàng tiêu dùng. Những Daewoo, Samsung, Hyosung, Hyundai… là những hình mẫu cho Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, nhiều DN lớn khi phát triển tới một quy mô nhất định sẽ chuyển sang kinh doanh đa ngành. Bên cạnh những sản phẩm chiến lược của mình, họ sẽ lựa chọn một số lĩnh vực pha trộn những hoạt động kinh doanh mang tính rủi ro với những hoạt động kinh doanh có thể đảm bảo doanh thu cho công ty.
Tuy thế, các DN cũng nên xem xét lại năng lực của mình xem có đủ khả năng để phát triển đa ngành để cạnh tranh với thị trường hay không. Mặt khác, điểm yếu của một số DN tư nhân lớn là họ tập trung phần lớn đất đai và tài sản vốn vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản và xây dựng, là các lĩnh vực có mức tăng trưởng năng suất thuộc loại thấp nhất ở Việt Nam.
Điều quan trọng là Việt Nam cần có một khung khổ chính sách cạnh tranh toàn diện nhằm mở cửa thị trường cho các tập đoàn tư nhân lớn trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng.
Hơn thế nữa, xu hướng phát triển đa ngành cũng đòi hỏi khâu quản trị DN của các tập đoàn tư nhân trong nước phải được đề cao hơn bao giờ hết. Điều này sẽ giúp các DN lớn phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào các DN trong nước.
Khi càng nhiều thông lệ tốt về quản trị DN được áp dụng tại các tập đoàn tư nhân trong nước có xu hướng phát triển đa ngành sẽ minh chứng rằng quản trị DN tốt đồng nghĩa với kinh doanh tốt.
Thế Vinh