Tân Hồng là xã thuần nông, nên từ khi thành lập, HTX Tân Phong đã tập trung phát triển sản xuất lúa. Hiện, diện tích sản xuất của HTX là 200 ha. Để nâng chất lượng và lợi nhuận, HTX đã áp dụng KH-KT, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất.
Đẩy mạnh cơ giới hóa
Sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa, HTX thực hiện đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch. Đồng thời, HTX hướng dẫn các hộ nông dân kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật.
Hiện nay, diện tích gieo cấy của HTX được thực hiện bằng phương thức gieo mạ khay và cấy bằng máy, thay cho việc cấy thủ công và gieo vãi.
Trước đây, canh tác một mẫu lúa, người dân phải bỏ ra 6 triệu đồng, từ khi tiến hành cơ giới hóa, tổng chi phí từ làm đất đến thu hoạch chỉ hết 4 triệu đồng. Các hộ thành viên bớt vất vả mỗi khi ngày mùa tới.
Máy móc thay thế sức người đã giúp năng suất, chất lượng lúa tăng lên rõ rệt. Khâu cấy bằng máy do sử dụng mạ non, cấy nông và thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, nhờ đó bông lúa to, dài, tỷ lệ hạt chắc cao và hạn chế được sâu bệnh. Năng suất trung bình của HTX đạt 62,6 tạ/ha, cao hơn so với trồng lúa thủ công là 4,3 tạ/ha (6,9%).
Bên cạnh đó, HTX còn tiến hành xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học trên gốc rạ tại ruộng. Tình trạng đốt rơm đã không còn xảy ra, đồng thời tạo nguồn phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho đất và cho cây.
Ứng dụng cơ giới hóa không chỉ giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân, mà còn góp phần tích cực khắc phục tình trạng thiếu lao động, bảo đảm tính thời vụ, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch, nhằm bổ sung phân hữu cơ tại chỗ, tăng độ phì cho đất và bảo vệ môi trường.
Trong sản xuất nông nghiệp, nguồn nước đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động sản xuất của HTX gặp không ít khó khăn, do nguồn nước tưới tiêu trên địa bàn bị ô nhiễm. Nước tại các kênh, mương thủy lợi đã chuyển màu đen và có lúc bốc mùi hôi thối.
Một cánh đồng mẫu của HTX Tân Phong |
Khó về nguồn nước
Ông Phạm Văn Ấm - Giám đốc HTX Tân Phong, cho biết toàn bộ diện tích đất nông nghiệp do HTX quản lý lấy nước trực tiếp từ tuyến kênh Phủ - Sặt (Bình Giang), nhưng nhiều năm qua nguồn nước tại kênh này bị ô nhiễm, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được ông Ấm cho biết là do hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang, Hải Dương) xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường khiến hệ thống kênh tưới tiêu (kênh cấp 2) và hệ thống thủy lợi của địa phương bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, các hộ dân vứt rác bừa bãi nên nước ô nhiễm càng ô nhiễm thêm.
Từ năm 2016, để cải thiện sản xuất, HTX thay đổi từ sản xuất lúa theo phương pháp gieo thẳng sang phương pháp cấy mạ bằng máy. Nếu thực hiện gieo thẳng, nguồn nước tráng mầm không bảo đảm, cây mạ non sẽ bị chết.
Tuy đã cùng địa phương thực hiện thả cá rô phi xuống các kênh và tiến hành xả nước, lấy nước mới vào nhờ các đợt triều cường, nhưng tình trạng nước ô nhiễm không được cải thiện nhiều. Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân khiến nhiều hộ bỏ sản xuất, từ đó diện tích đất sản xuất của HTX sẽ ngày càng bị thu hẹp.
“HTX rất mong sự vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là các cấp chính quyền để cải thiện nguồn nước sản xuất. Nếu vì công nghiệp hóa mà hủy hoại môi trường, ảnh hưởng đến nông nghiệp thì tỷ lệ người dân bỏ đất sản xuất sẽ ngày càng tăng”, Giám đốc Phạm Văn Ấm kiến nghị.
Như Yến