Hàng loạt chiêu trò được các shop tung ra để thu hút khách hàng, tăng doanh số. Nhưng, rất nhiều shop thời trang vẫn đang phải sống trong tình trạng “treo” cửa hàng.
Đủ chiêu trò, vẫn phải “sang” shop
Lê Thùy Trang, chủ shop thời trang gần ngõ Đa Lộc (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) đang treo biển “sang shop - thanh lý giá sốc từ 40%”, chia sẻ: “Kinh doanh thời trang giờ “5 ăn, 5 thua”, vì shop mọc lên như nấm. Bọn mình còn đùa nhau đây là thời “mạt vận” của kinh doanh thời trang”.
Khảo sát trên tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy (nối tiếp nhau), với chiều dài chưa tới 1,5 km, nhưng có đến hơn 40 shop thời trang lớn, chưa kể những cửa hàng nhỏ bán quần áo giá “sỉ”. Các cửa hàng khang trang, có bảo vệ dắt xe, phục vụ khách hàng chu đáo, nhưng đều trong tình trạng “ngáp dài” đợi khách.
“Chi phí thuê cửa hàng, nhân viên, điện, nước… ngày càng đắt, hàng hóa thì thường xuyên ế ẩm, ngày được ngày không. Doanh thu tháng giờ đủ trả tiền thuê nhà, nhân công và đủ tiêu tiết kiệm là may”, chị Nguyễn Thị Hồng Uyên, chủ shop thời trang D&G trên đường Cầu Giấy, ngán ngẩm nói.
Theo các chủ cửa hàng, tình trạng ế ẩm diễn ra đã nhiều năm, nhưng khó khăn nhất là khoảng từ năm 2013 đến nay. Các cửa hàng hoạt động cầm chừng, lấy công làm lãi, “cầu may” trong những đợt lễ, Tết. Hầu hết các cửa hàng đều tung ra các chiêu khuyến mãi “khủng”, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Theo nhiều chủ shop, vốn mở một shop thời trang bình dân, tối thiểu cũng phải có từ 100 - 200 triệu. Các cửa hàng bán đồ sang trọng hơn thì vốn lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng, một khoản vốn quan trọng hiện nay là “vốn dự trữ” để có thể cầm cự cửa hàng đến mùa lễ Tết, hoặc thời điểm chuyển mùa. “Thiếu vốn dự trữ chính là nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng “cụt vốn” và phải đóng cửa, hoặc sang shop”, một chủ shop cho biết.
![]() |
Các shop tung đủ các chiêu "xả hàng", "giá sốc" vẫn khó thu hút khách hàng
Thời của kinh doanh trực tuyến
Về nguyên nhân khiến kinh doanh thời trang lâm vào khó khăn, hầu hết chủ cửa hàng đều cho rằng sự phát triển ồ ạt của các cửa hàng thời trang khiến sự cạnh tranh gay gắt; sự “bành trướng” của các loại thời trang “sỉ” giá rẻ, hàng xách tay, đồ không rõ nguồn gốc, hàng lậu… cũng khiến khách hàng giảm sút. Nhưng đặc biệt và quan trọng nhất vẫn là do sự “lên ngôi” của kinh doanh qua mạng.
Với sự bùng nổ của internet, mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc với NTD vì sự tiện lợi. Với lợi thế vốn khởi điểm không lớn, tiết kiệm các chi phí mặt bằng, tiếp cận khách hàng nhanh, phủ sóng rộng… kinh doanh thời trang trực tuyến đang dần “lấn át” kinh doanh trong cửa hàng.
Nguyễn Thùy Chi, chủ shop thời trang trực tuyến HINA, chia sẻ: “Mình có shop thời trang trên đường Minh Khai, nhưng nhận thấy tiềm năng của bán hàng online nên mình đã thuê người lập một website để bán hàng, đồng thời mình cũng mở thêm trang trên facebook. Hiện tại, doanh thu chủ yếu của hàng đến từ bán online. Cửa hàng với địa chỉ cụ thể chủ yếu để tạo lòng tin cho khách”.
Không chỉ các shop thời trang tư nhân đang chuyển dần xu thế sang kinh doanh online, các tập đoàn, công ty thời trang lớn cũng đang tận dụng lợi thế này. Ông Trần Trọng Tuyến - Giám đốc công ty CP Công nghệ DKT, đơn vị nghiên cứu và phát triển Giải pháp bán hàng online toàn diện Bizweb, nhận định: “Nếu kinh doanh truyền thống đem lại lợi nhuận 1, thì kinh doanh trực tuyến có thể đem lại lợi nhuận 2, 3 thậm chí là hàng chục lần”.
Hiến Nguyễn