Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Sáng ngày 4/7/2019 (theo giờ London), Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tại Anh Quốc đã chính thức diễn ra ở London. Hội nghị đã thu hút hơn 200 nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tham dự.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, với mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước (DNNN) mạnh mẽ của Chính phủ sẽ có 140 DN phải thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2017-2020, trong đó giai đoạn 2017-2018 mới thực hiện được cổ phần hóa được 37 DN, giai đoạn 2019-2020 số lượng các DNNN cần hoàn thành cổ phần hóa là rất lớn.
Hiện, số lượng DNNN thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn còn rất lớn và đây là cơ hội dành cho NĐT. Theo đó, thời gian tới sẽ có thêm nhiều tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp lớn sẽ triển khai cổ phần hóa hoặc tiếp tục thoái vốn như: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản; Tổng công ty Phát điện 2 của EVN, Tổng công ty Xi măng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Mobifone, Agribank,...
Liên quan tới nội dung này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thông tin thêm, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của các NĐT nước ngoài và rất hoan nghênh các NĐT châu Âu, NĐT Anh quốc tham gia tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam.
“Trên thực tế, ngoài lượng vốn đầu tư, các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt, công nghệ cập nhật đi cùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ giúp các doanh nghiệp của chúng tôi cải thiện chất lượng hàng hóa của thị trường” – Bộ trưởng nói.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN phát biểu tại Hội nghị |
Cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một cách bền vững thị trường chứng khoán (TTCK). Mặc dù là một thị trường còn trẻ, nhưng TTCK Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển tương đối nhanh. Vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 10 năm qua từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 78,5% GDP tính đến cuối tháng 6 năm 2019. Tính đến hết quý II/2019, mức vốn hóa thị trường đạt trên 189 tỷ USD, tăng 9,8% so với cuối năm 2018, tương đương 78,5% GDP.
Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ, các ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp đã tăng 70% trong năm 2017 và trên 30% trong năm 2018 đạt 3,7 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn thành công nhất Đông Nam Á.
TTCK phái sinh mặc dù mới ra đời từ tháng 8/2017 với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nhưng đã có bước phát triển ấn tượng, tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch bình quân/phiên năm 2018 gấp 7,2 lần so với năm 2017. Việt Nam đã và đang gấp rút đưa thêm các sản phẩm mới vào giao dịch để tạo ra sự đa dạng cho TTCK.
Thông tin cho NĐT nước ngoài về triển vọng chính sách trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi Luật chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hướng tới tạo nền tảng pháp lý thống nhất, thông thoáng nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách về nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI...
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch thông tin và quản trị công ty. Ngoài ra, sẽ triển khai đề án phát triển trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp và công tác chuẩn bị để có thể đưa thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp vào hoạt động trong năm 2020,...
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, TTCK Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc công khai, công bằng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Thông qua Hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn được lắng nghe các ý kiến từ cộng đồng đầu tư Vương quốc Anh và mong muốn được thu hút, kêu gọi đầu tư từ phía trung tâm tài chính số 1 của thế giới vào TTCK Việt Nam.
Chủ tịch UBCKNN cũng tin tưởng và khẳng định, với tiềm năng và thế mạnh của TTCK Việt Nam trong bối cảnh của một thị trường năng động, bên cạnh chủ trương của Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để TTCK Việt Nam phát triển thành một thị trường tầm cỡ ở khu vực, Việt Nam hứa hẹn sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
H.T