Trước đó, ngày 8/3, Ban Bí thư_đã đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật về thương vụ chuyển nhượng cổ phần giữa AVG và MobiFone.
Tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra toàn diện thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Thời hạn thanh tra trong vòng 50 ngày, nghĩa là kết quả thanh tra sẽ có vào tháng 11/2016. Nhưng hơn 1 năm trôi qua, Kết luận thanh tra về thương vụ này vẫn chưa được công bố.
Dự án “mật”
Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG – thương vụ hiếm hoi mà một doanh nghiệp nhà nước “chịu” mua cổ phần một doanh nghiệp tư nhân – đã tồn tại trong sự bí hiểm về thông tin như thế.
Trở lại quý I/2016, khi MobiFone phát đi thông cáo mua 95% cổ phần AVG và sau đó đổi tên thành MobiTV, thông tin về giá trị thương vụ này đã không được công bố.
Sau đó, mỗi khi trả lời về vấn đề này, lãnh đạo MobiFone đều cho biết đó là hồ sơ vụ chuyển nhượng là “mật”. Chỉ tới khi được đưa vào nghị trường Quốc hội, thông tin về thương vụ này phần nào mới được công khai, dù không đầy đủ.
Theo đó, giá trị thương vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG lên đến 8.900 tỷ đồng. Về hình thức, đây có thể là một thương vụ hời của MobiFone, vì nhiều lần định giá trước đó, giá trị của AVG được “định vị” ở mức hơn… 20.000 tỷ đồng.
Nhưng thực tế, tại thời điểm được MobiFone mua lại, AVG đang làm ăn thua lỗ, giá vốn được ước tính chỉ khoảng 1.600 – 2.000 tỷ đồng chưa trừ khấu hao. Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng giá trị của AVG còn chưa đến 1.000 tỷ đồng.
Thực tế, trong khi thông tin về thương vụ này vẫn chưa công khai, có tin lãnh đạo trước đó của AVG đã nhiều lần có văn bản đề nghị MobiFone thực hiện nốt nghĩa vụ trả tiền. Trường hợp MobiFone không trả tiền thì sẽ hủy hợp đồng mua bán cổ phần này.
Thực tế, sau khi Ban Bí thư có chỉ đạo khẩn trương giải quyết vụ việc, trái với sự “mật” khi mua bán, đã lập tức xuất hiện thông tin MobiFone và AVG họp cùng nhau tới 6 giờ liên tiếp, để đi đến thống nhất hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần này.
Lý do được nêu là AVG không chấp nhận việc MobiFone tiếp tục không trả tiền, đồng thời việc hủy này cũng sẽ giúp “không để Nhà nước có bất kỳ thất thoát hay thiệt hại gì”.
MobiFone và các cổ đông công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) ký biên bản cam kết hủy thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa hai doanh nghiệp này.
Chuyện sau thỏa thuận
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 12/3, MobiFone cho biết thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone và nhóm cổ đông AVG đang xúc tiến việc hủy bỏ hợp đồng thỏa thuận mua bán cổ phần theo các quy định pháp luật.
Theo đó, các cổ đông chuyển nhượng sẽ trả lại toàn bộ số tiền bán cổ phần đã được MobiFone thanh toán. Ngược lại, MobiFone sẽ hoàn trả các cổ đông chuyển nhượng số cổ phần và các tài sản của AVG mà nhà mạng di động này đã nhận chuyển nhượng.
Các cổ đông chuyển nhượng cũng cam kết sẽ thanh toán các chi phí liên quan mà MobiFone đã trả cho các đơn vị liên quan tới giao dịch mua cổ phần AVG.
Các bên sẽ khẩn trương xem xét và thực hiện các việc cần thiết đảm bảo không bên nào chịu thiệt hại, cũng như không ảnh hưởng tới nguồn vốn và lợi ích của Nhà nước – văn bản ngày 12/3 ghi.
Đại diện phía cổ đông, ông Phạm Nhật Vũ, cũng khẳng định không yêu cầu phạt và đòi bồi thường, nếu MobiFone thực hiện đầy đủ, thiện chí các cam kết trong buổi làm việc.
Ông Vũ cho biết AVG đồng ý hủy hợp đồng là bởi từ khi được mua lại, MobiFone không vận hành, phát triển công ty đúng kế hoạch, để lỡ nhiều cơ hội kinh doanh. Đồng thời, từ khi hợp đồng có hiệu lực, MobiFone mới thanh toán 95% giá trị thương vụ.
Tuy nhiên, thiện chí của các cổ đông AVG không bao hàm những áp lực mà doanh doanh nghiệp này gánh chịu từ việc hủy hợp đồng. Tại thời điểm bán cổ phần, vốn điều lệ của AVG là 3.628 tỷ đồng, đạt chưa tới 50% số tiền mà doanh nghiệp sẽ hoàn lại cho MobiFone đã chi trả cho AVG (8.899,8 tỷ đồng).
Thứ hai, việc hủy hợp đồng, hoàn trả tiền gốc và lãi của MobiFone có thể đảm bảo – về pháp lý – là Nhà nước không có thiệt hại về tiền. Nói cách khác là cơ sở pháp lý, điều kiện cần để hình sự hóa vụ chuyển nhượng này về lý thuyết sẽ không còn.
Về góc độ pháp lý, nếu như thương vụ hoàn tất thì vấn đề không phải là huỷ hợp đồng mà thoả thuận bên bán mua ngược lại. Nhiều chuyên gia cho rằng làm như vậy có thể xử lý logic hơn !?
Tuy nhiên, theo kết luận của Ban Bí thư, “đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm”. Như vậy, xử lý vụ việc trên dù theo hướng nào cũng rất phức tạp, đặc biệt dưới góc độ pháp lý.
Tuấn Dũng