Không đi sâu vào các vấn đề pháp lý liên quan vụ mua bán khu đất 32,4ha ở xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), được cho là có giá khá rẻ so với giá thị trường, giữa bên bán là một DN nhà nước do Văn phòng Thành ủy Tp.HCM quản lý và bên mua là QCG, nhưng thấy sờ sờ trước mắt là sau khi vụ mua bán này vỡ lở, dư luận phanh phui, uy tín của QCG tụt giảm mạnh. Bằng chứng là cổ phiếu của DN trên sàn chứng khoán liên tiếp bị giảm sàn, hàng trăm tỷ đồng đã “bốc hơi”.
“Bề nổi của tảng băng chìm”
Một câu hỏi được đặt ra là chỉ vì mua một khu đất lớn của Nhà nước với giá rẻ bèo, còn nhiều tranh cãi về mức giá, về tính minh bạch nhưng lại đem đến hệ lụy xấu cho DN, thì liệu có đáng hay không. Đặc biệt, khi giới chuyên gia và dư luận còn nghi ngờ là có hay không lợi ích nhóm trong vụ mua bán này?
Nhân đây, cũng nhắc lại những diễn biến gần đây khi Bộ Công an khởi tố một số cựu lãnh đạo Tp.Đà Nẵng, vì liên quan đến sai phạm trong mua bán đất công sản của ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) - Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng Bắc Nam 79.
Đây chính là hồi chuông báo tử đối với vị đại gia giàu lên nhờ đất công sản nhưng “làm nghèo” đất nước. Và, cũng để thấy rằng lợi ích nhóm đã sản sinh một lớp nhà giàu bất chính từ đất và quan hệ thân hữu nhưng cũng sẽ là “mồ chôn” chính họ, khi chân tướng dần lộ rõ.
Hành vi vi phạm pháp luật của Vũ nhôm sẽ do cơ quan điều tra xác định rõ trong thời gian tới. Nhưng nên biết, việc giàu lên bất chính nhờ vào những hoạt động mua bán đất công sản thiếu minh bạch, hoặc nhóm lợi ích tiêu cực trong lĩnh vực bất động sản được ví như “bề nổi của tảng băng chìm”.
Ở Tp.HCM và một số địa phương khác, chuyện Nhà nước thất thu ngân sách từ những “khu đất vàng” cũng không phải hiếm. Đáng lo ngại là có những đại gia xem việc cổ phần DNNN đang làm ăn thua lỗ như miếng mồi thơm cần thâu tóm với đất đai ở những “vị trí vàng”. Và khó tránh khỏi những cuộc “đi đêm”, ngã giá, để không đấu giá ở không ít trường hợp.
Theo Ts. Nguyễn Hữu Nguyên, khái niệm “nhóm lợi ích” ở Việt Nam hiện nay là một số ít người có khả năng chi phối, hoặc thao túng, điều khiển cán bộ quản lý, từ đó có những quyết định, chủ trương tạo ra “siêu lợi nhuận” cho các thành viên trong nhóm, bất chấp thiệt hại của Nhà nước và của nhân dân.
Có những đại gia phất nhanh nhờ đất nhưng không đóng góp gì cho sự phát triển sản xuất |
Đóng góp gì cho nền kinh tế?
Ví dụ như lĩnh vực địa ốc, như chia sẻ của Ts. Nguyễn Hữu Nguyên, họ “lobby” để lái chủ trương chính sách theo kịch bản của họ, hoặc “móc ngoặc” để được biết trước thông tin về quy hoạch. Họ mua trước với giá rất rẻ những khu đất sẽ có giá trị sau khi quy hoạch, khi công bố quy hoạch, giá đất sẽ tăng lên và khi đến mức cao nhất thì họ bán, kiếm siêu lợi nhuận. Người dân không biết thông tin nên bán rẻ, hoặc bị đền bù giải tỏa với giá thấp, nên bị thiệt rất nhiều.
Ts. Nguyên cho rằng không khó lắm để nhận diện các nhóm lợi ích. Đó là những nhóm người giàu lên nhanh chóng, hơn rất nhiều so với những người sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Nhưng lại không dễ quy tội, vì họ rất “kín”.
Như quan ngại của giới chuyên gia về hiện tượng một số đại gia dựa trên quan hệ thân hữu, lũng đoạn chính sách. Họ phất lên một cách rất nhanh chóng, không những không đóng góp gì cho sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà còn “làm nghèo” đất nước.
Nói về vấn đề đất đai liên quan đến tăng trưởng kinh tế, trong tài liệu của Ban Kinh tế Trung ương và USAID có chỉ rõ những bất cập. Đó là tình trạng xin được giao đất, thuê đất theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, xin điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra phổ biến ở các địa phương.
Theo đó, cơ chế xin - cho trong đất đai đã làm méo mó thị trường quyền sử dụng đất. Nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng sử dụng đất, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận đất đai của các DN. Đó còn là việc sử dụng đất đai kém hiệu quả, tham nhũng, lãng phí.
Mặt khác, không ít trường hợp do nhận được nhiều ưu đãi đầu tư từ chính quyền địa phương, chủ đầu tư chiếm dụng đất với quy mô quá lớn, vượt quá khả năng đầu tư của mình. Trong khi đó, người dân có đất nằm trong quy hoạch, hoặc bị thu hồi, không tiếp tục sản xuất, canh tác được, dẫn đến bức xúc trong xã hội.
Thế Vinh