Những thương vụ M&A đối với các tài sản công nghệ và tài sản số sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Báo cáo về Xu hướng ngành M&A toàn cầu do PwC vừa công bố đã định giá các thương vụ M&A đang tăng mạnh, với mức định giá cao và cạnh tranh lớn giữa các tài sản công nghệ hoặc tài sản số.
Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2020 tổng số lượng và giá trị giao dịch toàn cầu tăng lần lượt 18% và 94% so với nửa đầu năm. Trong đó, các lĩnh vực công nghệ và viễn thông có mức tăng trưởng cao nhất lần lượt là 34% và tăng 118% về giá trị. Đặc biệt, số lượng thương vụ viễn thông tăng 15% với giá trị tăng đáng kể gần 300% nhờ có ba thương vụ quy mô lớn.
Ông Brian Levy, lãnh đạo toàn cầu Khối tư vấn thương vụ của PwC nhận xét: “Covid-19 đã hé mở cho các công ty một cái nhìn không mấy lạc quan về viễn cảnh tương lai. Việc tăng tốc số hóa và chuyển đổi trong doanh nghiệp đã lập tức trở thành ưu tiên hàng đầu, và M&A là phương thức nhanh nhất để thực hiện mục tiêu này. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh cao đối với các thương vụ cần thiết cho nhiều doanh nghiệp".
Dự báo về hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2021, ông Ong Tiong Hooi, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thương vụ và Thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam nhận xét: “Cùng với xu hướng toàn cầu, ngành M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay”.
Tuy nhiên, ông Ong Tiong Hooi cho biết, thời điểm hiện tại thị trường còn khá cẩn trọng, nhưng các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực cho năm 2021. Bên cạnh đó, sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19”.
Các chuyên gia đánh giá, những thương vụ M&A đối với các tài sản công nghệ và tài sản số trong thị trường cạnh tranh cao và được đẩy nhanh trong thời gian tới.
“Bối cảnh và thách thức mới do Covid-19 đang tạo ra những nhu cầu và cơ hội đặc thù dành cho các dịch vụ công nghệ và kỹ thuật số giúp hỗ trợ cho xã hội và doanh nghiệp hoạt động. Do đó, việc liên tục đẩy nhanh tiến trình số hóa đã trở nên thiết yếu đối với các ngành khác nhau. Nhu cầu đặt ra về tốc độ số hóa đã khiến nhiều doanh nghiệp nghiêng về chiến lược mua lại thay vì tự xây dựng. Điều này làm gia tăng cạnh tranh giữa các công ty để có được cơ sở hạ tầng kinh doanh cần thiết, do đó, đẩy mức định giá của các tài sản này lên mức cao hơn", ông Ong Tiong Hooi nhận định.
Thanh Hoa