Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 của Chính phủ giao BHXH Việt Nam tổ chức thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với một số thuốc sử dụng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, trên cơ sở nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh.
Tiết kiệm 251 tỷ đồng
Trong quý IV/2017, BHXH Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng, giá kế hoạch được phê duyệt đã giảm từ 5 – 15% so với các mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó.
Tại hội nghị cung cấp thông tin về đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia một số thuốc chữa bệnh do BHXH Việt Nam thực hiện vừa diễn ra, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến BHYT khu vực phía Bắc, cho biết tổng giá trị của 20 mặt hàng trúng thầu đã công bố là 935,99 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,15%, tương ứng số tiền 251,13 tỷ đồng.
Trong đó, thuốc biệt dược gốc giảm 13,82%, thuốc generic giảm 33,81%, thuốc generic nhóm 1 giảm từ 27,3 – 42,8%, một mặt hàng thuốc nhóm 5 giảm tới 54,7%.
Ông Đức nhấn mạnh kết quả của lần đầu tiên đấu thầu thuốc quốc gia do BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức thực hiện sẽ góp phần đáng kể để điều chỉnh hợp lý giá thuốc sử dụng cho người bệnh BHYT nói riêng, người dân nói chung.
Đồng thời, mặc dù là lần đầu tiên thí điểm tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, nhưng ông Đức đánh giá kết quả thành công hơn mong đợi.
“Rất nhiều thuốc biệt dược gốc đã giảm giá mạnh, phá vỡ quan điểm trước đây là thuốc biệt dược không giảm giá. Ban đầu, chúng tôi lo lắng khi giá kế hoạch giảm từ 5 – 15% sẽ không có nhà thầu tham dự”.
Trả lời câu hỏi: Giá thuốc giảm, liệu có xảy ra tình trạng giá thấp được chọn, giá cao bị bỏ, ông Đức khẳng định, theo quy định đã chia các thuốc cùng một hoạt chất thành các nhóm khác nhau, theo đó có 5 nhóm như nhóm 1 là thuốc sản xuất ngoài nước, nhóm 3 là thuốc sản xuất trong nước, đạt các tiêu chuẩn khác nhau, tuy nhiên mỗi một nhóm đều có một số tiêu chuẩn tương đồng để tránh việc thuốc có chất nội nhưng giá ngoại.
“Khi phân nhóm đã phân tầng, thuốc nào tương ứng nhóm nào thì giá trị tương xứng nhóm đó. Sắp tới, chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục chia nhỏ thêm, để đảm bảo cùng là thuốc sản xuất trong nước nhưng nguồn gốc, dây chuyền sản xuất như thế nào thì giá sẽ như thế”, ông Đức nói.
Ông Đức nhấn mạnh mục đích đấu giá, BHXH không có hy vọng giá thuốc sẽ giảm xuống đáy, nhưng muốn giảm sâu để trả lại đúng giá trị đích thực của thuốc.
![]() |
Nhờ đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, BHXH Việt Nam tiết kiệm được 251 tỷ đồng
Không có “sân trước, sân sau”
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, bổ sung thêm sẽ không có thực trạng “tiền nào của nấy”. Kế hoạch đấu thầu phải đảm bảo tiêu chí quan trọng là chất lượng thuốc, số lượng và giá hợp lý. Thuốc nhóm 1 giá nhóm 1, nhóm 5 có chất lượng kém nhất sẽ có giá của nhóm 5.
Theo ông Sơn, BHXH đã nhận được một xấp đơn kiến nghị của doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp kiến nghị lên Thủ tướng. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam khẳng định việc đấu thầu này rất có lợi.
Nếu trước đó dùng thuốc lên đến 20.000 đồng thì giờ chỉ còn 12.000 đồng. Đặc biệt, trong quá trình triển khai đấu thầu, BHXH có mời cả cơ quan công an vào để giám sát nhằm đảm bảo công khai, minh bạch.
“Đến nay, các nhà thầu, bệnh viện nếu phát hiện bất kỳ điều gì không công khai, minh bạch thì người vi phạm sẽ bị xử lý. Đặc biệt không có “sân trước, sân sau”, không có “quân xanh, quân đỏ” trong quá trình đấu thầu.
Nhìn chung đã hoàn thành hai mục tiêu khiêm tốn là đảm bảo đủ thuốc với chất lượng tốt”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, đại diện BHXH Việt Nam cho biết thời gian tới sẽ cố gắng giải trình để tiếp tục mở rộng hoạt chất trong đấu thầu thuốc.
Ngoài ra, về đấu thầu vật tư y tế, BHXH sẽ dần từng bước xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Sau đó, tiến hành đấu thầu vật tư y tế cấp quốc gia ở một vài nhóm sử dụng với số lượng nhiều nhằm giảm giá, chấm dứt tình trạng cùng một loại vật tư ở tỉnh này giá 150 triệu đồng nhưng ở tỉnh khác chỉ có 58 triệu đồng.
Trước đó, tại buổi làm việc với BHXH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện đấu thầu thuốc thuộc danh mục chi trả của BHYT, cùng với việc đấu thầu thuốc của Bộ Y tế để kéo giá thuốc năm 2018 giảm từ 10 – 15% so với hiện nay.
Thy Lê