Ngày 25/12, ông Kim Kyou Sik, Tổng giám đốc Lotte.vn, đã gửi thông báo đến các nhà cung cấp, khách hàng của Lotte.vn cho biết từ ngày 20/1/2020, website thương mại điện tử (TMĐT) Lotte.vn sẽ ngừng kinh doanh, phân phối đến khách hàng, đồng nghĩa ngừng hoạt động cũng như cung cấp các dịch vụ.
Song song với việc ngưng hoạt động với công ty TNHH TMĐT Lotte Việt Nam, các nhà cung cấp, khách hàng sẽ tiếp tục bán hàng hay giao dịch với CTCP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, đơn vị tiếp quản mới.
Nhiều lý do để “chia tay”
Đại diện Lotte Mart cũng xác nhận đơn vị này sẽ tiếp nhận Lotte. vn và sáp nhập vào Speedl.vn – một trang TMĐT thuộc Lotte Mart. Lotte.vn cũng tuyên bố sẽ hoàn tất công nợ với các đối tác trước ngày 20/2/2019 và sẽ không chấp nhận giải quyết thêm các vấn đề khiếu nại sau thời gian này.
Ra mắt vào những tháng cuối của năm 2016, Lotte.vn tham vọng trở thành trang TMĐT mua sắm trực tuyến tốt nhất cho khách hàng Việt Nam.
Lúc đó, Lotte cho biết sẽ không tham lam như những “tiền bối” đi trước, chỉ tập trung vào những ngành hàng chủ yếu như thời trang, sức khỏe, làm đẹp, điện tử… – vốn là những sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, so với các trang TMĐT nhận được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn mẹ như Lazada, Shopee hay Tiki, Sendo… thì Lotte có phần trầm lắng hơn.
Trước Lotte.vn không lâu, Tập đoàn Vingroup cũng đã sáp nhập Adayroi.com về VinID trong kế hoạch tái cơ cấu, tập trung cho lĩnh vực công nghiệp – công nghệ, rút lui khỏi mảng bán lẻ.
Được biết, trang TMĐT Adayroi đi vào hoạt động từ tháng 8/2014 với sứ mệnh nâng cao chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ, góp phần thúc đẩy và phát triển lĩnh vực TMĐT và ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của iPrice, tính đến quý III/2019, Adayroi có khoảng 6,4 triệu lượt truy cập website hàng tháng, chỉ xếp thứ 9 về lượng truy cập (trên cả máy tính và di động) trong tổng số 10 website TMĐT hàng đầu Việt Nam.
Việc nhiều “ông lớn” quyết định “tái cấu trúc” website TMĐT không gây nhiều bất ngờ cho người tiêu dùng, bởi thị trường TMĐT Việt Nam trước đó đã chứng kiến nhiều cuộc chia tay tiếc nuối.
Có thể kể đến việc Thế giới Di động đóng cửa sàn TMĐT Vuivui. com hồi tháng 12/2018, tiếp đến là Robins. vn (tiền thân là Zalora Vietnam). Xa hơn, thị trường cũng chứng kiến sự ra đi của Beyeu.com, Lingo.vn, Foodpanda…
Trên trang web của mình, Beyeu.com còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: “Kinh doanh TMĐT cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định ngưng đốt tiền. Chúc may mắn cho những ai còn đang cố gắng”.
Thực tế, thương vụ sáp nhập nội bộ giữa Lotte.vn và Speedl.vn (được vận hành bởi Lotte Mart) cũng cho thấy Tập đoàn Lotte chưa muốn rời thị trường TMĐT Việt Nam với tham vọng sẽ chinh phục thị trường Việt Nam thành công như đã làm được tại Hàn Quốc.
Thị trường TMĐT Việt Nam đang có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực |
Sự cố gắng vô vọng?
Tương tự với Adayroi, trong thông báo phát đi của Vincommerce về việc dừng bán hàng trên sàn TMĐT khẳng định “mong muốn đánh giá và tái cấu trúc hoạt động của công ty nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và khách hàng trong giai đoạn phát triển mới”.
Đại diện Vingroup cũng cho biết mảng TMĐT Adayroi trước kia sẽ được tập đoàn này nâng cấp thành mô hình “New Retail” – kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O).
Hiện, VinID đang là một siêu ứng dụng thuộc Tập đoàn Vingroup. Tính đến tháng 10/2019, VinID sở hữu hơn 8 triệu thành viên cùng hệ sinh thái số đa dạng. Gần đây nhất, VinID đã triển khai VinID Pay hoạt động như một ví điện tử trên nền tảng siêu ứng dụng này.
Sự cố gắng của cả hai “ông lớn” kể trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi “miếng bánh” thị trường TMĐT Việt Nam là vô cùng béo bở với quy mô lên tới 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 81% (theo báo cáo của e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố).
Tuy nhiên, TMĐT lại không phải là “miếng bánh” dễ ăn. Thị trường TMĐT Việt Nam đã dần định hình với những “tay chơi” lớn như Lazada, Tiki, Shopee hay Sendo. Đây được coi là một “cuộc chơi đốt tiền” của các “đại gia” khi mà biên lợi nhuận thấp và các chi phí liên quan đến bán hàng, logistics, khuyến mãi thu hút người dùng… lại rất lớn.
Trong khi đó, bản thân những “tay chơi” lớn cũng đang “trầy da tróc vẩy” với cuộc cạnh tranh này. Theo số liệu của một số hãng nghiên cứu thị trường, năm 2018, mức lỗ của Lazada, Shopee, Tiki, Sendo tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 5.100 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2016. Tổng lỗ lũy kế vượt 12.500 tỷ đồng và có khả năng ngày càng tăng cao.
Theo một chuyên gia tài chính, tâm lý người tiêu dùng tại Việt Nam là cứ lên online thì phải hàng giá rẻ, do đó các sàn ra sức khuyến mãi để lôi kéo khách hàng, không tập trung vào các mấu chốt là hệ thống giao nhận, cách tiếp cận, mà dùng tiền để thu hút. Điều này dẫn đến “còn tiền đốt thì kéo được khách, hết tiền thì hết khách”.
Vân Linh