Thời điểm này, người dân trồng hành tăm tại một số địa phương như Nông Cống (Thanh Hóa), Nghi Lộc (Nghệ An),... đang vào vụ thu hoạch chính, nhưng giá giảm sâu khiến nhiều hộ gia đình lo ngại, thu hoạch cầm chừng chờ giá lên.
Gia đình ông Trần Văn Hải, xã Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) trồng 2 sào hành tăm, nhưng giá xuống thấp một nửa so với năm 2024, nên gia đình ông chỉ thu hoạch cầm chừng.
“Các năm trước, vào đầu vụ, giá hành tăm cao nên thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua hết đến đó. Năm nay, giá hành thấp, giảm mạnh lại khó tiêu thụ nên chỉ bới khi có khách hỏi mua” - ông Hải cho hay.
![]() |
Hành tăm rớt giá, chỉ còn 20.000 đồng/kg |
Không riêng gì gia đình ông Hải mà hầu hết các hộ trồng hành ở xã Nghi Lâm cũng đang thu hoạch hành tăm cầm chừng, có khách đặt mua thì bới hành để bán, còn không thì đành tạm dừng chờ giá lên.
Tương tự, tại Thanh Hóa, hiện nay cây hành tăm đã rũ hết lá trên các cánh đồng ở xã Trường Sơn, Trường Trung, Tượng Văn của huyện Nông Cống, nhưng người dân vẫn đang thu hoạch cầm chừng vì giá hành tăm năm nay giảm sâu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Luyện, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống hiện trồng 6 sào hành tăm nhưng cũng chỉ thu hoạch cầm chừng hoặc thu hoạch khi có khách hỏi mua.
Theo bà Luyện, các năm trước, vào đầu vụ, giá hành tăm cao nên người dân thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Năm nay giá hành tăm rớt giá chỉ bằng một nửa những năm trước.
“Nếu thu hoạch sớm, đầu vụ giá hành tăm bán được giá 28.000 đồng/kg nhưng đến thời điểm này chỉ còn 20.000 đồng/kg. Năm ngoái, với 6 sào, gia đình tôi thu hoạch được 3 tấn hành, bán với giá 36.000 - 40.000 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng. Năm nay, giá hành tăm thấp nhưng thương lái cũng không mua nhiều, chúng tôi vừa thu hoạch vừa lo lắng. Có lẽ năm nay thu nhập từ bán hành tăm của gia đình sẽ giảm một nửa”, bà Luyện buồn rầu nói.
![]() |
Nhiều hộ dân chủ động mở rộng diện tích trồng hành tăm khiến nguồn cung dư thừa, là một trong nguyên nhân khiến giá hành tăm giảm sâu. |
Bà Nguyễn Thị Lan – thương lái chuyên thu mua hành tăm tại địa phương hiện cũng đang tạm ngưng thu mua vì chưa có đầu ra. “Mấy ngày nay, giá xuống thấp, liên hệ khắp nơi không nhập được hành nên tôi đang tạm ngưng việc thu mua. Cái khó là hành tăm khó bảo quản, để lâu sẽ bị mất nước, gây hao cân, lỗ vốn”, bà Lan cho biết.
Chứng kiến giá hành tăm tại quê nhà rớt thảm, chị Phạm Như Hoàn hiện đang sinh sống tại Hà Nội, những ngày qua đã tích cực đăng tải thông tin và tìm các đầu mối tiêu thụ hành tăm giúp gia đình và người thân. Tuy nhiên, theo chị Hoàn, dù bán giá rẻ chỉ còn 25.000 đồng/kg nhưng hành tăm là một loại nông sản khá đặc trưng nên mức tiêu thụ cũng không đáng là bao.
Theo chia sẻ của bà con trồng hành, năm nay củ hành tăm to, đều đẹp nhưng giá quá thấp, chỉ bằng một nửa năm ngoái. Sau gần 8 tháng trồng, chăm sóc và thu hoạch. Công bới củ hành cũng mất khá nhiều thời gian, nhưng với mức giá hiện nay thì người dân hầu như không có lãi.
Để giúp bà con giảm bớt gánh nặng, đại diện UBND xã Trường Sơn cho hay UBND xã và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã vẫn đang tích cực liên hệ với các thương lái để hỗ trợ tiêu thụ hành, nhưng lượng bán ra không đáng kể.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nông Cống cũng xác nhận hiện giá hành tăm trên địa bàn chỉ còn 20.000 đồng/kg, giảm một nửa so với năm ngoái. Với mức giá này, người nông dân dù bán hết hàng cũng chỉ đủ tiền đầu tư, không có lãi.
Được biết, huyện Nông Cống được xem là "thủ phủ" hành tăm của tỉnh Thanh Hóa, với hơn 100ha. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, hành trồng tại đây cho củ to, chắc, mùi thơm đặc trưng.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích vì sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự điều tiết của thị trường", đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nông Cống nói.
Hồng Hương