Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, hành tăm (hay còn gọi là củ nén) ở HTX Nghi Lâm củ trắng, to, mùi thơm hơn nơi khác nên được thị trường ưa chuộng, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vài năm trở lại đây, hành tăm chứng minh được thế mạnh và trở thành cây hoa màu chủ lực của địa phương.
“Mỏ vàng” trên đất lúa
Ông Vũ Đình Đông, Giám đốc HTX nông nghiệp Nghi Lâm cho biết: Những năm trước, toàn bộ 505ha chủ yếu được chuyên canh cây lúa nước, tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế đem lại thấp, cùng với giá thuê nhân công cao nên người dân xã Nghi Lâm không mấy mặn mà, tình trạng cho người ngoài xã mượn đất canh tác, thậm chí bỏ đất trống ngày càng có xu hướng gia tăng.
![]() |
Nhiều hộ nông dân, thành viên HTX Nghi Lâm ăn nên làm ra nhờ trồng hành tăm. |
Kể từ khi thực hiện chuyển đổi sang trồng hành tăm, bà con thực sự đã tìm được “mỏ vàng” trên chính mảnh ruộng của mình.
Xác định được nhu cầu của thị trường, qua khảo sát điều kiện ở địa phương, mô hình hành tăm ở HTX Nghi Lâm cho hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với cây lúa nước. Vụ vừa rồi, toàn HTX Nghi Lâm đã nâng tổng diện tích trồng hành tăm lên đến 103ha, chủ yếu là diện tích cao cạn không chủ động nguồn nước.
Đáng mừng, từ năm 2017, 17 ha hành tăm của 150 thành viên đầu tiên của HTX Nghi Lâm được công nhận đạt chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất đến thu hoạch và sơ chế, đây được xem như “giấy thông hành” của nông sản Nghi Lâm khi ra thị trường, đi vào các kênh phân phối hiện đại.
Theo ông Đông, để tạo nên thương hiệu hành tăm Nghi Lâm, HTX đẩy mạnh mô hình trồng hành theo quy trình VietGAP, sản xuất sạch, vừa đảm bảo sức khỏe người trồng, vừa an toàn cho người tiêu dùng nên ngày càng được thành viên hưởng ứng.
Với 5 sào đất nông nghiệp, gia đình bà Nguyễn Thị Sen - thành viên HTX, trước đây chỉ chăn nuôi kết hợp cấy lúa, nhưng thu nhập bấp bênh. Sau khi nhận thấy mô hình trồng hành tăm cho năng suất cao, gia đình đã bắt tay vào cải tạo đất để trồng. Không những vậy, riêng 2 sào được công nhận VietGAP, giá bán cũng cao hơn thông thường.
“Sau mỗi vụ khoảng 7-8 tháng, nếu mức giá ổn định từ 30.000-35.000 đồng/kg, tôi thu về gần 20 triệu đồng/sào”, bà Sen phấn khởi chia sẻ.
Hiện, HTX đang tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hành tăm của xã. Theo đó, thời gian tới, hành tăm Nghi Lâm sẽ có sự thay đổi và phát triển cả về quy mô và chất lượng, giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc dễ hơn và tăng tính cạnh tranh trên thị trường gia vị.
Hiệu quả nhờ phủ lá thông
Nếu như ở nhiều địa phương, lá thông khô không có giá trị sử dụng, thì với người trồng hành tại HTX Nghi Lâm thì đây như một loại phân hữu cơ sạch, góp phần tăng năng suất cây trồng.
![]() |
Bà con thành viên HTX đang làm đất, xuống giống, phủ lá thông cho vụ tiếp theo. |
Do nhu cầu lớn nên các thành viên phải đi thu gom lá thông khô trước khi trồng hành vài tháng. Bình quân mỗi sào hành cần khoảng 6m3 lá thông khô, nếu mua phải chi khoảng 1 triệu đồng. Khi gieo xong hạt cây hành, nông dân sẽ tấp rơm rạ lên trên rồi phủ lớp lá thông dày khoảng 20 cm.
Theo lãnh đạo HTX, lá thông sạch, có độ xốp cao, giúp tăng năng suất rõ rệt cho cây trồng, đặc biệt là hành tăm. Do đó, tại vùng trồng hành tăm HTX Nghi Lâm, lá thông được người dân “quý như vàng”.
“Việc thu gom thực bì, vật liệu dễ cháy tại các rừng thông giúp bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần tăng năng suất cây trồng, cải thiện đời sống của người dân”, Giám đốc HTX Vũ Đình Đông nói.
Đây là một tiến bộ khoa học kỹ thuật đơn giản nhưng có nhiều ưu điểm. Trước hết là tiết kiệm được công sức trồng trỉa, tiếp theo là tiết kiệm đất, sau đó chống được thời tiết nóng, lạnh, nâng đỡ cây non phát triển tốt, tránh được côn trùng, sâu bệnh gây hại cây trồng và là nguồn bổ sung dinh dưỡng phân hữu cơ cho cây hành phát triển tốt, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm.
Thời điểm này, các thành viên HTX đang tất bật làm đất, bón phân và xuống giống vụ tiếp theo. Ngoài ra, trong quá trình sinh trưởng của hành tăm, bà con cũng thường xuyên phải theo dõi thời tiết để lựa chọn phương pháp chăm sóc cây theo kinh nghiệm đã tích lũy được.
Nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng hành tăm toàn HTX năm nay đạt hơn 1.000 tấn, năng suất 6-7 tạ/sào, cao hơn các năm trước. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của thị trường mùa dịch bệnh nên giá hành tăm giảm dần. Nếu như đầu vụ, giá hành tăm còn được 20.000 đồng/kg, sau giảm dần xuống 18.000 đồng/kg, có thời điểm còn 14.000 đồng/kg. Trong khi năm 2020, giá hành tăm đầu vụ 45.000 đồng/kg, chính vụ là 28.000-30.000 đồng/kg.
“Vụ thu hoạch tháng 3/2021 vừa qua, hành tăm rớt giá rẻ bằng 1/3 so với mọi năm nên nhiều thành viên chỉ thu hoạch cầm chừng, hoặc chuyển sang sấy khô bảo quản, đồng thời kết hợp cùng HTX liên tục tìm kiếm đầu ra thị trường”.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: “Hiện, toàn huyện có hơn 320 ha trồng hành tăm, tập trung chủ yếu ở các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm, Nghi Thuận và Nghi Văn. Trong nhiều năm qua, trồng hành tăm được xem là hướng đi mới, khi người dân biết sử dụng giống phù hợp, chăm bón, gieo trồng đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khiến hành tăm năm nay rớt giá. Cũng phải thừa nhận rằng, đây là loại cây khó bảo quản, người dân cũng chưa tự liên kết, kết nối đầu ra cho sản phẩm nên cung cao hơn cầu, sản phẩm không những bị rớt giá mà rất khó tiêu thụ”. Huyện cũng xác định đây là một trong những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Tô Thương