Các nhà sản xuất và bán lẻ nhận định, biến động tỷ giá, xăng dầu và lạm phát khiến nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu trong năm 2022 đã tăng từ 15 - 20% so với năm trước, nhưng với sự chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, thị trường Tết năm nay không bị áp lực về giá quá lớn. Điều này xem ra rất phù hợp với tính toán của nhiều gia đình sau một năm đầy biến động, Tết đến chi ít tiền nhưng vẫn mua được đồ ngon.
Doanh nghiệp tung hàng, người dân rục rịch sắm Tết
Những ngày này, các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tìm kiếm nguồn hàng mới, đặc sản tiềm năng để phục vụ nhu cầu người dân.
Trao đổi với VnBusiness, đại diện nhiều siêu thị cho biết, thời điểm này hoàn tất 80% kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm, dầu ăn… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm phổ biến dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
![]() |
Với sự chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, thị trường Tết năm nay không bị áp lực về giá quá lớn.
Ghi nhận thực tế của VnBusiness trong ngày 8/12 cho thấy, tại siêu thị WinMart Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) lượng hàng hóa rất dồi dào, lúc nào cũng trong trạng thái đầy kệ hàng. Trước đó, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để tăng cường tần suất giao hàng, đồng thời huy động nhân viên làm việc tối đa nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho thị trường, đủ phục vụ nhu cầu người dân.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị WinMart cho biết, để chuẩn bị cho Tết Quý Mão 2023, WinCommerce đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa với sản lượng lớn từ vài tháng trước Tết. Năm nay, sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng phục vụ tăng so với các tháng bình thường trong năm và so với cùng kỳ Tết 2022. Cụ thể, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm tươi sống; bánh kẹo, đồ uống… tăng 20%.
Hệ thống MM Mega Market lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20 - 30% so với Tết 2022 và tăng 40 - 50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt... tăng đến 100%.
Còn tại Co.opmart tăng lượng dự trữ lên 30 - 50%, tùy nhóm hàng. Trong đó, lượng hàng bình ổn giá chiếm khoảng 25 - 30%. Riêng thị trường Hà Nội và miền Bắc, hiện Co.opmart có hơn 50 điểm bán hàng hóa bình ổn.
Năm nay, gia đình chị Đoàn Thị Luyến (36 tuổi) đặt vé về quê ăn Tết từ 24 tháng chạp. Bên cạnh thu xếp công việc, chị Luyến cũng cùng chồng đi mua sắm sớm. Đứng tại gian quà Tết ở siêu thị Big C đường Nguyễn Xiển, chị Luyến cho biết ngoài mua các hộp bánh làm quà tặng người thân, chị cũng mua thêm quần áo do đang được giảm giá đến 30% để tặng các cháu và bố mẹ hai bên.
"Mua đồ Tết ở siêu thị rất tiện, đi một vòng là gom được đủ thứ. Tết mấy đứa nhỏ thích ăn bánh kẹo, phải mua chỗ nào uy tín, an toàn, tránh phẩm màu hóa chất", chị Luyến nói.
Giảm giá sớm để không bị dồn áp lực mua sắm cuối năm
Theo quan sát, thay vì chỉ giảm giá cho những ngày cận Tết như thông lệ thị trường, thời điểm này, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đồng loạt giảm giá hàng Tết sớm để giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực mua sắm về những ngày cuối năm.
“Các mặt hàng truyền thống dịp Tết như giỏ quà trái cây, bánh chưng, đồ muối cũng được chuẩn bị với số lượng lớn và giá tốt, khuyến mại lên tới 50%”, đại diện siêu thị WinMart nói.
Từ nay đến cuối năm 2022, hệ thống các điểm bán lẻ của Tổng Công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) giảm giá hơn 3.000 mặt hàng với mức giảm lên đến 72%. Các sản phẩm được khuyến mãi khác tặng kèm sản phẩm, mua hàng giá tốt, nhận voucher mua hàng gia dụng…
Các hệ thống siêu thị khác như MM Mega Market, Emart, Lotte, Aeon Mall… cũng cam kết giá tốt cho hàng nhu yếu phẩm và đặc trưng ngày Tết. Đồng thời tích cực hưởng ứng chiến dịch bình ổn giá, tăng nguồn cung các mặt hàng tham gia bình ổn giá, tập trung ở mặt hàng thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống.
Mặc dù hàng hoá đa dạng, sản lượng dồi dào và kèm theo là các chương trình khuyến mại, giảm "sâu", nhưng nhiều nhà bán lẻ vẫn lo lắng là biến động thị trường từ cuối quý III đến nay như: thông tin người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do đơn hàng xuất khẩu giảm... sẽ khiến sức mua khó tăng đột biến.
Theo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, đối với các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa Tết, việc chi phí sản xuất tăng 20 - 30% so với trước dịch là thách thức không nhỏ. Các doanh nghiệp kỳ vọng, mùa sản xuất hàng hóa Tết năm nay sẽ đạt tăng trưởng 20 - 30%.
Nguồn vốn lưu động của các doanh nghiệp so với trước dịch hiện nay đều phải tăng trên 50%. Với sự phối hợp của ngân hàng thì doanh nghiệp cũng phải tự điều động tài sản, huy động từ nhiều nguồn khác nhau để ổn định nguồn vốn trong sản xuất.
Thanh Hoa