Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố.
Hàng hóa dồi dào, giá bình ổn
Theo ghi nhận tại VinMart ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai), lượng người mua hàng vào đầu giờ sáng ngày 28/7 ổn định. Đa phần người dân “mua nhiều hơn bình thường để không phải đi nhiều lần”. Tuy nhiên, tại các kệ bày bán nông sản, hàng hóa vẫn dồi dào. Nhiều nhất vẫn là các loại rau, quả đang chính vụ rất phong phú, được người tiêu dùng quan tâm.
![]() |
Nông sản, thực phẩm vẫn rất dồi dào, phong phú tại chợ truyền thống. |
Cùng với các loại rau xanh, trái cây, các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến sẵn cũng rất phong phú và thường xuyên được nhân viên siêu thị tiếp từ kho lên kệ.
Tương tự, bước sang ngày giãn cách thứ 5, hầu hết các chợ truyền thống đã quay trở lại nhịp bán hàng bình thường. Theo ghi nhận, ngoài một số mặt hàng có dấu hiệu tăng giá nhẹ như hải sản, thì nhìn chung giá cả không có đột biến so với trước khi giãn cách. Đa số người dân đều chấp hành nghiêm các yêu cầu theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Chẳng hạn, giá thịt lợn dao động từ 120.000-180.000 đồng/kg, như thịt ba chỉ có giá 140.000 đồng/kg, thịt thăn: 140.000 đồng/kg, nạc vai giòn: 150.000 đồng/kg, sườn nạc vai: 140.000 đồng/kg, chân giò: 130.000 đồng/kg, sườn nạc thăn: 150.000 đồng/kg...
Giá mặt hàng nông sản cũng không có biến động, như bí xanh có giá 20.000 đồng/kg, su su: 15.000 đồng/kg, bắp cải: 12.000-15.000 đồng/kg, cà chua: 18.00-20.000 đồng/kg, cải chip: 15.000-18.000 đồng/kg, hành, mùi: 25.000 đồng/kg…
Chỉ có mặt hàng hải sản có giá tăng nhẹ. Trao đổi với VnBusiness, chị Thanh Vân, kinh doanh hải sản tại chợ Đại Từ (Đại Kim, Hoàng Mai) cho biết: "Từ một tuần nay, lượng hải sản giảm rất mạnh do ngư dân giảm đi biển và nhiều lái xe thực hiện giãn cách xã hội, nên giá cả một số mặt hàng nhích từ 5.000-10.000 đồng/kg".
Tuy nhiên, tại một số siêu thị, các mặt hàng hải sản đông lạnh không tăng giá dù lượng hàng giảm mạnh do nhà cung cấp không giao đủ, như tại BRGMart, Haprofood, chuỗi bán lẻ Vinmart, BigC…
Doanh nghiệp chủ động cung ứng hàng hóa
Trong những ngày qua, các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đã tăng lượng hàng hóa dự trữ, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, chủ động mở rộng mạng lưới kinh doanh, hệ thống thanh toán và nâng cao chất lượng dịch vụ để tạo điều kiện cho khách đến mua hàng được thuận lợi, nhanh chóng, tránh tình trạng quá tải trong khâu thanh toán.
![]() |
Các doanh nghiệp bán lẻ tăng lượng hàng hóa dự trữ, sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân. |
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Vận hành Công ty VinCommerce (VCM) cho biết: Tại Hà Nội, VCM có 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart+. “Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 đối với hàng thực phẩm thiết yếu, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn và làm sao để đảm bảo trên quầy kệ không bị trống”, bà Phương cho hay.
Hiện nay, VCM có 4 kho hàng, các kho đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn. Trong đó, riêng kho ở Bắc Ninh, hàng hóa vận chuyển về tới Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động, liên tục làm việc với các nhà cung ứng như Masan, MeatDeli để lên kế hoạch sản xuất đảm bảo không để tình trạng trống kệ hàng.
“Tập đoàn Masan đã tăng công suất hoạt động sản xuất của các nhà máy lên mức tối đa nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt...”, bà Phương cho hay.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail cũng cho biết, chuỗi siêu thị BigC đã tăng lượng hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, các mặt hàng chăm sóc sức khỏe như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn... đều được tăng lên gấp 2-3 lần.
Hiện nay, tại các “thủ phủ” cung cấp nông sản cho Hà Nội như Thạch Thất, Mỹ Đức, Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh..., nguồn cung rau, quả cho Hà Nội đang rất dồi dào. Ông Bùi Tiến, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Mê Linh (Hà Nội) cho hay: Sản lượng rau, củ, quả tại địa bàn Mê Linh rất dồi dào. Đặc biệt, các xe chở nông sản đã được gỡ các "nút thắt", việc lưu thông hàng hóa cũng rất thuận tiện, nhanh chóng nên nguồn cung về các chợ đầu mối, siêu thị đều đảm bảo ổn định.
Thanh Hoa
![]() |