Giá lợn đang trong chuỗi ngày đi xuống. |
Cụ thể, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc Bắc giảm nhẹ so với ngày hôm qua, dao động trong khoảng 55.000 - 57.000 đồng/kg. Sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Nam Định và Hà Nam được ghi nhận cùng mức 56.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không biến động mới về giá.
Giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, giao dịch trong khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi được ghi nhận tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình lần lượt là 55.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg, sau khi giảm hạ nhẹ 1 giá. Thương lái tại các địa phương còn lại tiếp tục thu mua lợn hơi với giá không đổi trong hôm nay.
Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng giảm theo xu hướng chung, thu mua trong khoảng 53.000 - 58.000 đồng/kg. Cụ thể, Hậu Giang và Trà Vinh đồng loạt giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, điều chỉnh thu mua lợn hơi về mức 53.000 đồng/kg. Cùng mức giảm trên, Bạc Liêu và Cần Thơ lần lượt có mức thu mua là 55.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại giữ nguyên giá giao dịch như hôm qua.
Có thể thấy đến thời điểm này, mức 58.000 đồng/kg chỉ còn ở một tỉnh thành ở khu vực miền Nam. Việc giá lợn hơi đi xuống trong ngày hôm nay và những ngày trước đó được cho là do từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Điều này tác động đến tâm lý tái đàn của không ít người bởi từ nay đến tháng 10 hằng năm là giai đoạn tái đàn để bảo đảm thời gian xuất chuồng cuối năm.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với tổng đàn lợn như hiện nay, nếu kiểm soát được dịch bệnh sẽ không kéo giá lợn đi xuống tiếp và không ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2023, tổng đàn lợn trên cả nước khoảng 28,6-28,7 triệu con, tăng khoảng 3,3% so cùng kỳ năm ngoái, đưa Việt Nam vươn lên là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu lợn và đứng thứ 6 về sản lượng thịt.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, điều quan trọng trong chăn nuôi lợn lúc này là cần tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, xây dựng chuỗi liên kết; quản lý lợn giống hiệu quả, phát triển các giống bản địa để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiện, nhiều địa phương đã chủ động chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh để nâng cao chất lượng. Tiêu biểu như Hà Nội, tổng đàn lợn của toàn thành phố hiện có hơn 1,46 triệu con. Để ổn định nguồn cung, Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn và hỗ trợ nông dân, HTX chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với đàn lợn.
NY