Giá cà phê dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. |
Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại Lâm Đồng, ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, được thu mua với giá từ 60.100 – 60.200 đồng/kg. Giá cà phê tại Gia Lai, Kon Tum đứng ở mức giá 60.500 đồng/kg. Tại Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao 60.800 đồng/kg.
Giá cà phê tại Đăk Lăk giảm 100 đồng/kg, ở huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 60.600 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 60.700 đồng/kg.
Cà phê trong nước tiếp tục có tháng tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và Robusta đang được ưa chuộng hơn trên thị trường. Kết thúc tháng 5, cà phê tăng trung bình 9.200 đồng/kg so với tháng 4.
Việc cà phê đi ngang trong ngày đầu tháng 6 và tiếp tục giảm 1.000 đồng trong ngày hôm nay được cho là không ảnh hưởng đến sự đi lên của giá cà phê trong thời gian tới.
Theo các nhà chuyên môn, nhu cầu toàn cầu đối với cà phê Robusta đang tăng lên khi các nhà rang xay và người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn cà phê rẻ hơn để đối phó với lạm phát cao. Và điều này là cơ hội cho cà phê Việt.
Dự báo, xuất khẩu trong niên vụ 2023/24 sẽ xuống mức thấp nhất trong 3 niên vụ gần nhất, cùng với việc chi phí sản xuất tăng cao sẽ khiến giá cà phê Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục duy trì trên vùng giá cao.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 2,2% trong 5 tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó xuống 882.000 tấn. Xuất khẩu cà phê của cả nước trong tháng 5 ước đạt 165.000 tấn, trị giá 418 triệu USD.
Sản lượng niên vụ cà phê năm nay của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn.
Theo chuyên gia, xuất khẩu cà phê Việt Nam đang nhận được hỗ trợ tốt từ việc giá giao dịch và nội địa duy trì ở mức cao kỷ lục để hướng tới mục tiêu duy trì kim ngạch năm 2023 ở mức 4 tỷ USD.
N.Y