Ghi nhận thị trường ngày 23/11, dù tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tại một số địa phương, tuy nhiên giá heo hơi vẫn đang dao động ở mức thấp, trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg.
Heo hơi rớt giá, người nuôi thua lỗ
Cuối tháng 10/2022, báo chí có phản ánh thông tin về việc "Mở cửa xuất khẩu lợn tiểu ngạch để cứu giá", trong bối cảnh giá heo hơi rớt xuống còn 50.000 đồng/kg. Một số ý kiến đề xuất Chính phủ nên nới lỏng các rào cản để có thể xuất bán heo qua biên giới, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
![]() |
Giá heo hơi xuống thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ. |
Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc phối hợp nghiên cứu vấn đề xuất khẩu thịt heo.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung báo chí phản ánh. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.
Trao đổi với truyền thông, ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, thừa nhận sức mua trên thị trường hiện nay rất thấp, nhiều bếp ăn tập thể, khu công nghiệp giảm giờ làm, giảm lao động… đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thịt heo. Trong khi đó, nhiều công ty chăn nuôi đã gia tăng sản lượng khá nhiều trong thời gian qua, cung đang vượt cầu lớn khiến các công ty chỉ còn cách bán giá thấp để kích cầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay việc giá heo hơi xuống dưới mốc 60.000 đồng/kg đang khiến người chăn nuôi không có lãi, thậm chí phải gánh lỗ. Ước tính, giá thành chăn nuôi nhỏ lẻ đã lên tới 60.000 đồng/kg do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua.
Nguyên nhân là cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, siết chặt việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Do đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị nên xem xét cho xuất heo qua thị trường Trung Quốc để cải thiện giá trong nước.
“Từ nay đến cuối năm, nếu không có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, tiếp tục khóa chặt đầu mối xuất khẩu thì giá heo có thể càng giảm, người nuôi chịu nhiều áp lực mà bỏ chuồng", ông Đoán nói.
Về lo ngại nếu cho xuất khẩu dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thiếu hụt có thể đẩy giá heo hơi tăng mạnh, từ đó tác động tới chỉ số lạm phát, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng giá heo hơi thấp thế này chứng tỏ cung vượt cầu, nếu ở trên giá thành sản xuất thì lúc đó mới thiếu nguồn cung. Do vậy, Nhà nước cần cân đối tỷ lệ heo hơi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc với nhu cầu tiêu thụ trong nước, làm sao để giá heo hơi bán ra trên giá thành, chứ như tình hình hiện nay thì khó khăn cho người chăn nuôi.
“Đứng ở góc độ nông dân, tôi mong muốn cơ quan quản lý xem xét, tạo sự công bằng cho người chăn nuôi heo. Tại sao sản phẩm cây ăn trái, nông sản được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, mà heo hơi lại bị cấm, để rồi người chăn nuôi thua lỗ?”, ông Đoán bày tỏ.
Đâu phải muốn là xuất là được?
Chia sẻ với VnBusiness về quan điểm trước đề nghị được xuất khẩu heo hơi tiểu ngạch qua Trung Quốc, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết trong các văn bản pháp luật như Luật Chăn nuôi, Luật Thú ý đều tới hướng tới tạo điều kiện tối đa cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Do vậy, không có chuyện ngành nông nghiệp hay bất kỳ một cơ quan nào có thể cản trở hoạt động xuất khẩu heo hơi dù là chính ngạch hay tiểu ngạch.
Vấn đề được Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra là chúng ta rất muốn xuất khẩu nhưng nước nhập khẩu họ có đồng ý mua không? Thực tế, khi Việt Nam thiếu heo đã phải mở cửa để nhập khẩu từ Thái Lan nhưng khi dịch bệnh được khống chế, tái đàn đủ cung ứng thực phẩm cho thị trường trong nước, chúng ta đã ngừng nhập. Các nước khác cũng được quyền làm như vậy.
“Nhắc tới câu chuyện trên để nhấn mạnh rằng quan điểm của ngành nông nghiệp là luôn hướng tới chăn nuôi đảm bảo số lượng, chất lượng cung ứng cho thị trường 100 triệu dân và xuất khẩu. Không bao giờ chúng tôi gây khó khăn cho xuất khẩu, mở đến mức độ nếu doanh nghiệp yêu cầu xuất khẩu, nước nhập khẩu có yêu cầu gì thì ngành nông nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu”, ông Thắng khẳng định.
Còn liên quan tới câu chuyện giá heo hơi đang ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng Nhà nước không có quyền can thiệp vào giá cả thị trường, song sẽ cố gắng để cân đối lợi ích giữa các bên là Nhà nước, doanh nghiệp, người chăn nuôi.
Theo ông Thắng, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vẫn đang tăng lên, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, là tín hiệu tích cực cho đầu ra chăn nuôi. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn đang gặp phải những khó khăn như giá thức chăn nuôi tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Đây là câu chuyện mà Nhà nước phải đứng ra gỡ khó cho doanh nghiệp.
Được biết, trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi.
Để hỗ trợ thúc đẩy chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu, Bộ NN&PTNT cũng đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước. Đồng thời phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương nhằm chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu…
Mặt khác, để có hướng đi bền vững, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh liên kết trong các mô hình tổ hợp tác, HTX, từ đó kết nối với doanh nghiệp chế biến. Thực phẩm chăn nuôi sạch đang là nhu cầu lớn của người tiêu dùng.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, giá heo hơi biến động giảm, nhưng giá thức ăn chăn nuôi và giá vật tư đầu vào của ngành chăn nuôi vẫn không giảm. Thêm vào đó, đồng USD tăng giá cũng góp phần tác động vào giá thức ăn chăn nuôi khó có thể giảm. Với những biến động kinh tế, thị trường hiện nay, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm để tăng lượng thịt cung ứng cũng phải tính toán kỹ lưỡng.
Ông Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Chăn nuôi có tốc độ phát triển nhanh, là trụ đỡ quan trọng của ngành nông nghiệp, tăng trưởng bình quân đều đạt 4,5 - 4,6%, nhưng vấn đề là làm sao để có môi trường, hệ sinh thái cho ngành phát triển xứng tầm . Rõ ràng rất cần sự tham gia nhiệt tình của hiệp hội, ngành hàng nhằm xây dựng hệ sinh thái cho ngành phát triển theo hướng xanh, bền vững, hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Dương Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam Ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro từ dịch bệnh, giá cả, thị trường và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của tương lai là “3 trong 1”, đó là thực phẩm có giá trị và an toàn, thực phẩm phải thân thiện và có giá trị chia sẻ thì chắc chắn được người tiêu dùng trân trọng. Nếu ngành chăn nuôi không kiểm soát kháng sinh, không kiểm soát khối lượng thức ăn thì không thể là thân thiện được và không bán được giá cao.
Ông Trương Sỹ Bá Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam Chúng tôi vừa ra mắt sản phẩm "heo ăn chay" vì tới thời điểm này đã tối ưu được chi phí nuôi và công thức cám chay. Nhờ sản phẩm chất lượng, giá bán của thịt heo ăn chay cao hơn 5-10% so với ngoài chợ bởi chúng tôi không thể bán sản phẩm tốt và ngon hơn mà lại bằng giá ở chợ được. BAF kỳ vọng xây dựng thương hiệu thịt, an toàn, thì người tiêu dùng có thể chấp nhận giá cao hơn chút. Đây là cách đi đúng đắn không lo rủi ro về giá. |
Lê Thúy