Giá heo hơi ngày 14/7 tiếp đà tăng ở nhiều địa phương trên cả nước, mức tăng 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 61.000 - 70.000 đồng/kg. Giá heo hơi C.P miền Bắc ngày 14/7 bán ra 70.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với ngày 13/7.
Vì sao giá tăng nóng
Thậm chí theo bản tin cập nhật của công ty CP Anova Feed (Long An), giá heo hơi ngày 14/7 đã xuất hiện mức giá 71.000 đồng/kg - đó là tại tỉnh Thái Bình. Các tỉnh phía Nam chưa tăng mạnh nhưng vẫn đang trên đà tăng, dự sẽ có biến động lớn trong tuần tới, mức giá có thể sẽ đạt đầu số 70.000 đồng/kg.
Giá heo hơi được điều chỉnh tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 7. |
Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2022, giá heo thịt xuất chuồng bán tại cổng trại theo xu hướng tăng ở cả 3 miền, duy trì ở mức từ 55.000 - 59.000 đồng/kg trong thời gian dài. Tuy nhiên trong 2 tuần đầu tháng 7/2022, giá tăng mạnh từ 12-15% so với mức giá bình quân trong tháng 6/2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Bắc.
Lý giải đà tăng của giá heo hơi trong những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho hay thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào tăng phi mã theo giá xăng dầu nên tất yếu giá sản phẩm phải nhích lên.
Tuy nhiên, ông Trọng đánh giá đà tăng của giá heo hơi sẽ không mạnh, kéo dài lâu bởi ngay cả khi bước sang quý IV - thời điểm vàng của tiêu thụ thịt heo, giá heo hơi cũng khó tạo ra bước nhảy vọt vì tổng đàn heo cả nước vẫn ổn định ở mức 28,2 triệu con, cung cấp khoảng 3,8 - 4 triệu tấn thịt/năm.
"Dù nói cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường nhưng không thể phủ nhận dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, họ vẫn hạn chế với các hoạt động ăn uống gia đình nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh. Mặt khác, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm, giá khó tăng bật", ông Trọng đánh giá.
Còn theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, với việc 6 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp từ đầu năm đến nay đã đè gánh nặng lên người chăn nuôi thì giá heo hơi xuất chuồng buộc phải tăng vì không ai sản xuất dưới giá thành.
Về so sánh, các nước khu vực như Trung Quốc đang có giá heo hơi khoảng 22 - 23 Nhân dân tệ/kg, tương đương 78.000 - 80.000 đồng/kg. Còn Thái Lan, thị trường nhiều năm qua không bao giờ heo hơi Việt Nam thấp hơn Thái Lan. "Còn nhớ đợt dịch tả heo châu Phi, chúng ta phải nhập heo sống từ Thái Lan về để đáp ứng thị trường trong nước. Tuy nhiên, nay mặt bằng giá heo hơi của Thái Lan cũng ở khoảng 70.000 đồng/kg", ông Công chia sẻ.
Bên cạnh đó, Lào và Campuchia cũng có giá khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg. Do vậy, giá heo hơi của Việt Nam ở mức 70.000 đồng/kg là bằng với khu vực chứ không phải tăng đột biến.
Băn khoăn có nên đẩy mạnh tái đàn
Nhiều ý kiến cho rằng sự sôi động của thị trường heo hơi Trung Quốc đang tác động tích cực đến giá heo hơi của Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đánh giá, theo quy luật, "nước chảy chỗ trũng" - tức là khi heo hơi của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, các tiểu thương có thể sẽ tăng nhập khẩu heo hơi bằng hình thức tiểu ngạch để hưởng chênh lệch.
"Số liệu xuất khẩu tiểu ngạch thì khó có thể thống kê nhưng chúng tôi ghi nhận có tình trạng xe chở xe heo hơi từ Nam ra Bắc, trong khi miền Bắc không thiếu heo, cung cầu hai miền vốn cân bằng từ trước đến nay", ông Công chia sẻ.
Giá heo hơi nhích lên là tin vui với người chăn nuôi nhưng điều họ lo lắng rằng liệu đà tăng này có thực sự bền vững. Ông Trí Công cho biết: Trong thời gian ngắn nữa, thị trường heo hơi của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc, giá heo hơi ba miền sẽ dao động quanh mức 70.000 đồng/kg, nhưng khó có thể lên cao hơn nữa.
Còn nếu đánh giá về cung - cầu nội địa, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng hiện tổng đàn heo của cả nước đang khoảng 28,2 triệu con đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, thậm chí có dư thừa một chút trong bối cảnh sức mua còn yếu.
Giá heo hơi tăng nhưng ông Nguyễn Quang Thụy, người chăn nuôi ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ người nông dân vẫn chưa thể yên tâm vì ngành chăn nuôi luôn bấp bênh và thiếu ổn định.
Ông Thụy cho biết kể từ đầu năm 2021 đến nay chăn nuôi heo gần như không có lãi vì dịch bệnh COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi, kèm theo đó là gánh nặng chi phí, thức ăn chăn nuôi ngày càng nhiều.
Chưa kể, ông Thụy vẫn bày tỏ nỗi hoài nghi về sự bền vững của đà tăng giá và hiện đang thăm dò tình hình thị trường trước khi quyết định có tăng đàn heo vào quý IV hay không. Điều ông và nhiều người chăn nuôi mong mỏi lúc này là khi giá xăng dầu giảm, thức ăn chăn nuôi sẽ hạ nhiệt.
“Doanh nghiệp luôn lấy lý do giá nguyên liệu tăng để tăng giá. Tôi cho rằng cơ quan Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hơn giá thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, giá lên có chừng mực thôi, lên cao quá nông dân sao chịu nổi”, ông Thụy chia sẻ.
Chưa kể, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ thiết lập mặt bằng giá mới nhưng giá đầu ra sản phẩm có thể sẽ khó thiết lập một mặt bằng giá mới. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn không muốn tăng giá, bởi việc tăng giá khiến người chăn nuôi nhỏ sẽ chăn nuôi ồ ạt trở lại và cạnh tranh trực tiếp với họ.
"Sản lượng thịt các loại năm 2022 sẽ phấn đấu đạt khoảng 6,95 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (trong đó sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn), sữa tươi 1,24 triệu tấn tăng 7,3%, trứng 18,4 tỷ quả, tăng 5%", Cục Chăn nuôi cho biết. |
Thy Lê