Súp lơ nở hoa - nông dân rầu lòng
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hải Dương, hiện tỉnh còn khoảng khoảng 4.000ha rau vụ đông đang đến thời điểm thu hoạch với sản lượng ước khoảng 90.000 tấn. Trong đó, có trên 55.000 tấn hành củ, khoảng 26.000 tấn cà rốt và khoảng 8.000 tấn rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại.
Ông Phan Văn Tính, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nhân Huệ (Chí Linh, Hải Dương) cho biết, hiện nay, hàng chục nghìn tấn nông sản của người dân gặp khó khăn trong tiêu thụ. Cà rốt nằm kho lạnh, su hào đổ đống khắp cánh đồng, súp lơ nở hoa, bắp cải nứt toác, cà chua thối, ủng…, khiến những người nông dân khóc ròng.
Nông dân Hải Dương rơi vào cảnh "hoa cười, người khóc". |
“HTX cũng phối hợp UBND xã, Phòng kinh tế, tìm kiếm, kết nối các đầu mối để giải cứu 150ha nông sản cho thành viên. Đến nay, 1/2 số nông sản đã được giải quyết, tuy nhiên mỗi ngày trôi qua, rau củ ngày một lớn, thêm xanh tốt, người nông dân như ngồi trên đống lửa.
Với giá giải cứu bây giờ, chắc chắn nông dân sẽ lỗ nặng, chỉ thu về tiền giống ban đầu, nhưng "còn nước còn tát", không thể để công sức 2-3 tháng chăm sóc đổ sông đổ bể. Tất cả đều là mồ hôi, nước mắt của nông dân”, ông Tính nói.
Trước những lời kêu gọi "giải cứu” nông sản Hải Dương, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã phối hợp cùng chính quyền địa phương khử khuẩn toàn bộ nông sản, thông chốt kiểm dịch, đưa rau củ đến điểm giải cứu tại TP. Hà Nội.
Nhân viên, người dân Hà Nội hỗ trợ bốc hàng giải cứu từ xe xuống. |
Là tổng giám đốc của một doanh nghiệp tại TP. Chí Linh nhưng “thất nghiệp vì Covid-19”, chị Lê Thị Hà cùng nhân viên của mình ngày đêm làm bốc vác, hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản.
“Nhìn cả vùng nông sản xuất khẩu đến vụ không thu hoạch được thấy thương quá, bà con làm cả năm chỉ trông chờ vào vụ Tết. Vì vậy, tôi kêu gọi, kết nối bạn bè ở Hà Nội đứng ra thu mua, ủng hộ. Do người ở Chí Linh chưa được ra khỏi địa bàn huyện, nên việc vận chuyển cũng mất nhiều công, phải đưa hàng lên xuống 3 lần ở điểm trung chuyển.
Chúng tôi hỗ trợ nhân lực, chi phí vận chuyển cho bà con. Bà con bán giá tại ruộng bao nhiêu sẽ thu đủ và trả về mọi người bấy nhiêu”, chị Hà chia sẻ.
Nữ doanh nhân này cho biết, công ty phối hợp với UBND và Hội Nông dân xã Nhân Huệ thu gom, khử khuẩn, vận chuyển nông sản lên Hà Nội. Tất cả những người được giao nhiệm vụ đều đã được xét nghiệm âm tính để đảm bảo an toàn phòng dịch, do đó người dân có thể yên tâm là nông sản an toàn.
21h tại điểm bán Long Biên, rất đông người dân chờ mua nông sản giải cứu. |
Showroom ô tô, nhà hàng, lớp học thành điểm giải cứu
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này ở Hà Nội, các điểm giải cứu nông sản được mở bán nhiều hơn. Người dân Thủ đô cũng đang gọi nhau chung sức mua hàng ủng hộ để giúp bà con nông dân Hải Dương vượt qua giai đoạn khó khăn này. Có những chủ doanh nghiệp không màng lợi nhuận, sẵn sàng nhường điểm kinh doanh, cửa hàng, trung tâm tiếng Anh trong vài ngày, lấy chỗ phục vụ việc tiêu thụ hàng chục tấn nông sản giúp nông dân Hải Dương.
Qua facebook của một người bạn trong tâm dịch, anh Phạm Văn Tâm, chủ showroom bán ô tô cũ ở Long Biên (Hà Nội) biết nông dân Hải Dương đang phải chạy đua với tốc độ sinh trưởng của rau màu, những luống rau xanh, trái ngọt giờ trở thành nỗi áp lực, canh cánh. Hình ảnh người bạn đang bầu bí hơn 5 tháng vẫn đồng hành cùng bà con giải cứu nông sản thôi thúc anh làm điều gì đó giúp đỡ người dân.
Toàn bộ nhân viên showroom sẵn sàng bỏ ngày công, hỗ trợ giải cứu nông sản. |
Suy nghĩ chưa đầy một phút, anh bắt máy gọi cho người bạn, sau 5 phút, anh nhận làm đầu mối giải cứu nông sản và chốt đơn hàng đầu tiên với 2 tấn ngô.
“Đó là một đêm không ngủ với chúng tôi. Đầu cầu Hải Dương gần như thâu đêm để thu gom, khử khuẩn, làm các thủ tục kiểm dịch, vận chuyển nông sản ra Hà Nội. Đầu cầu Hà Nội chuẩn bị mặt bằng, chốt đơn, phương án vận chuyển…”, anh Tâm cho biết.
Anh Tâm cùng các nhân viên bắt đầu thông báo, “rao bán” trên facebook cá nhân và dự kiến sẽ cho dàn xế hộp trong showroom đi ship nông sản. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, đơn hàng lên đến hơn con số 1.000 đơn, gia đình không đủ nhân lực giao hàng ở khắp nơi trong thành phố, chưa kể còn có mặt hàng trứng gà rất dễ vỡ, rau củ khá nặng. Vì thế, anh đã quyết định từ chối nhận đơn hàng online và gợi ý mọi người tới điểm giải cứu để mua trực tiếp.
Điều anh Tâm trăn trở là một số điểm giải cứu nằm trên vỉa hè, vệ đường khá nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro về an toàn giao thông, tụ tập đông người. Do đó, anh đưa xe về xưởng, tận dụng diện tích showroom làm chỗ chứa, bảo quản nông sản và khoảng vỉa hè rộng làm chỗ cho xe tải ra vào, người dân để xe.
“Mọi người đến mua hàng rất tuân thủ các quy định phòng dịch: đeo khẩu trang, sát khuẩn, xếp hàng trật tự, không diễn ra cảnh chen lấn xô đẩy. Nhiều người còn không ngại xắn tay áo, bốc vác rau củ xuống, ai cũng hoan hỉ mua hàng, không mặc cả, không chê bai dù trong quá trình vận chuyển một vài quả trứng bị dập, vỡ”.
Do nhu cầu ít, người dân chia sẻ túi ổi lớn. |
Theo thống kê của anh Tâm, sau 5 ngày, điểm Long Biên đã giải cứu hơn 50 tấn nông sản, 20.000 quả trứng. Hàng hóa về với số lượng lớn, toàn xe tải 3, 5, 10 tấn nhưng chỉ trong vòng 1 giờ, số hàng đã được người dân Hà Nội mua hết sạch. Có những bà cụ hơn 60 tuổi vẫn đạp xe đến chờ 2-3 tiếng để mua rau củ, có những anh nhân viên văn phòng bình thường chẳng bận tâm việc bếp núc nhưng nay cũng đánh ô tô, xe máy đi mua rau, ổi cho bà con. Họ mua không phải vì giá rẻ mà bởi mong muốn ủng hộ nông dân Hải Dương vượt qua khó khăn.
“35 năm cuộc đời có 2 lần tôi thấy tinh thần dân tộc cao đến thế. Đó là lúc Việt Nam vô địch bóng đá, mọi người cùng nhau xuống đường, chạm tay nhau, ăn mừng chiến thắng. Còn trong lần giải cứu này, đó là sự đùm bọc, sẻ chia, hoạn nạn có nhau. Hải Dương có 8 ngày vàng để chống dịch, tôi chỉ mong điều đó thành hiện thực, mọi thứ trở lại quỹ đạo, người dân sẽ bớt khổ!”, anh Tâm nói.
Không xảy ra cảnh chen lấn, mất trật tự tại điểm giải cứu. |
Chờ 2 tiếng để mua nông sản Hải Dương, bà Lê Thị Tâm (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Hôm nay là lần thứ hai, tôi đến đây mua nông sản. Nhà tôi ít người cũng chẳng ăn là bao, tủ lạnh cũng không thể chứa được hết số hàng này, tôi đến mua ủng hộ nông dân, tặng cho bạn bè, hàng xóm. Giá giải cứu như này đối với người nông dân vất vả 2-3 tháng trời là quá vất vả, khổ sở.
Ở nơi không có dịch bệnh, mỗi người hãy chung tay ủng hộ bà con, đồng thời lúc nào cũng phải có ý thức đeo khẩu trang, sát khuẩn để bảo vệ cho bản thân và cộng đồng”.
Nghe tin giải cứu nông sản cho nông dân Việt Nam, ông Tominaga Yasuhiro (người Nhật) ngoài 60 tuổi cũng lóc cóc đến điểm giải cứu mua ủng hộ 5kg ổi. Qua Google dịch, ông cho biết sống một mình, tuổi cao nên không xách được nặng. Ông cầu chúc bà con Việt Nam sớm vượt qua dịch bệnh và sống thật yên vui.
Ông Tominaga Yasuhiro đến mua nông sản ủng hộ nông dân Hải Dương. |
Xe tải chở nông sản giải cứu cập điểm bán. |
Showroom ô tô rộng 200m2 trở thành điểm tập kết nông sản. |
Nông sản được chia túi, bảo quản trong nhà nên đảm bảo chất lượng. |
Trung tâm tiếng Anh tại 28 Nguyễn Khánh Toàn cũng trở thành điểm giải cứu nông sản. |
Số lượng lớn trứng gà, vịt, gia cầm vẫn đang tồn ứ, không bán được tại Hải Dương. |
Nông sản giải cứu được thu gom, khử khuẩn trước khi đưa về Hà Nội. |
Xuân Mai