Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 78,33 nghìn tấn cao su, trị giá 141,43 triệu USD, giảm 30,3% về lượng và giảm 30,2% về trị giá so với tháng 3/2022; tuy nhiên so với tháng 4/2021 tăng 26,3% về lượng và tăng 28,3% về trị giá.
Diễn biến giá xuất khẩu cao su qua các tháng từ 2020-2022. |
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 485,22 nghìn tấn, trị giá 856,98 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 4, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 3/2022 và tăng 1,5% so với tháng 4/2021.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Hiệp hội Cao su Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu thô lớn vẫn đang là hạn chế cần khắc phục của hầu hết các ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam, không riêng ngành cao su. Hiện khoảng 80% lượng mủ khai thác trong nước được xuất khẩu dạng nguyên liệu sơ chế (cao su tự nhiên), còn lại được đưa vào sản xuất các sản phẩm như lốp xe, găng tay, linh phụ kiện, đế giày, băng tải…
Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên chủ yếu của Việt Nam trong thời gian qua và sự dễ tính từ thị trường này làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ thuộc khu vực tư nhân, chưa quan tâm nhiều đến việc thay đổi theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng nêu lên một thực tế là giá bán bình quân của cao su tự nhiên Việt Nam xuất khẩu vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực dù Việt Nam có những doanh nghiệp đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc gia, cũng như tiêu chuẩn quốc tế ISO. Phần lớn nguyên nhân là do khách hàng chưa tin cậy vào sự ổn định chất lượng và uy tín thương mại của doanh nghiệp Việt Nam.
Thống kê cho thấy nguồn cao su của tiểu điền đang chiếm trên 51% nhưng chất lượng chưa ổn định, chưa đồng đều và chưa có tiêu chuẩn chất lượng hoặc sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, bên cạnh yêu cầu đảm bảo về chất lượng và uy tín kinh doanh, nhiều tín hiệu gần đây cho thấy yêu cầu của các thị trường xuất khẩu về tính hợp pháp và bền vững đối với các sản phẩm ngày càng chặt chẽ hơn trong tương lai, ngay cả thị trường Trung Quốc.
Nhận thức được xu thế này, từ năm 2016, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết đã triển khai Dự án Xây dựng và phát triển Thương hiệu ngành Cao su Việt Nam dựa trên các tiêu chí chuẩn mực về chất lượng và uy tín, đáp ứng theo xu hướng phát triển bền vững của thị trường và được nhận diện qua hình ảnh của Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber. Hiện tại, Nhãn hiệu Cao su Việt Nam đã được bảo hộ tại 5 thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Lào, Campuchia và mục tiêu sắp tới là thị trường Hoa Kỳ.
Nhãn hiệu cũng được gắn nhãn cho 82 sản phẩm thuộc 29 nhà máy của 17 doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên và ngày càng mở rộng, tương lai sẽ tiếp tục cấp cho sản phẩm cao su và gỗ cao su. Việc tham gia sử dụng Nhãn hiệu là minh chứng cho việc các doanh nghiệp duy trì chất lượng ổn định, không ngừng cải thiện sản xuất theo những tiêu chí tiến bộ, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Thy Lê